
Có điều gì đó thật đặc biệt khi có những câu chuyện diễn ra trên đời thực một cách ngẫu nhiên tới mức khó tin.
Những câu chuyện này nhắc nhở chúng ta rằng điều tốt đẹp vẫn diễn ra đâu đó trong cuộc sống, kể cả khi chúng ta có gặp phải trở ngại lớn như thế nào.
Đây là sáu câu chuyện có thật và vô cùng ấm lòng, sáu khoảnh khắc may mắn và những niềm vui tuyệt vời, chắc chắn sẽ mang lại nụ cười nhẹ nhàng, dù cuộc sống có đang… khó chịu tới mức nào.
Thời điểm hoàn hảo
Tuấn Phạm cảm thấy khá hài lòng về bản thân khi anh gần đến mốc 12 dặm của Giải bán marathon Long Beach ở Nam California. Cuộc chạy vào ngày 15 Tháng Mười năm 2023 là sự kiện thứ bảy của người đàn ông 47 tuổi này. Anh rất nóng lòng được ăn mừng tại vạch đích cùng cậu con trai tuổi teen, người đã về đích trước. Tuấn bước thêm một hoặc hai bước nữa, và đó là điều cuối cùng anh nhớ.
Tuấn không thể nhận thức được việc mình loạng choạng hay ngã sấp mặt xuống đất, nằm bất động khi những người khác chạy vòng qua anh. Mạch của Tuấn không còn đập và anh cũng không thở. Ba động mạch bị tắc, anh chết lâm sàng.
Theo Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ, khả năng sống sót sau cơn ngừng tim bên ngoài bệnh viện là dưới 12%. Cơ hội sống sót duy nhất của Tuấn là nếu có ai đó, chẳng hạn như một bác sĩ tim mạch, tình cờ đi ngang qua. Và chuyện ấy đã xảy ra: Ngay khi Tuấn gục xuống đất, Ryan Chiu, một bác sĩ phẫu thuật tim mạch tại Trung tâm Y tế MemorialCare Long Beach, có mặt lúc ấy, chạy đến bên Tuấn và bắt đầu ép tim ngoài lồng ngực. Ông nhờ sự giúp đỡ của một người qua đường, người này đã thực hiện việc ép tim trong khi Bác sĩ Chiu gọi điện đến bệnh viện, bảo họ chuẩn bị phòng phẫu thuật và tập hợp một nhóm phẫu thuật ngay lập tức.
Vài phút sau, xe cứu thương tới. Các nhân viên y tế đưa Tuấn đến bệnh viện. Ca phẫu thuật bắc cầu ba động mạch vành mà Bác sĩ Chiu thực hiện thành công. Tuấn Phạm có lẽ đã không có cơ hội đó nếu không có bàn tay của Chúa. Nếu bác sĩ Chiu không có mặt và nhìn thấy đúng lúc Tuấn ngã quỵ, cuộc đời anh đã chấm dứt từ đó.
Số sai, người đúng
Brenda Rivera ở Augusta, Georgia, đang đọc Kinh Thánh thì chú ý đến Phi-líp 2:3. Câu thơ này không chỉ là một tình cảm đẹp, đó giống như một kim chỉ nam cho cuộc sống mà cô có thể đồng cảm. Rivera cầm điện thoại và gõ vài câu khiến cô cảm thấy ấn tượng để gửi cho một người bạn. Ngay lúc ấy có điện thoại của sếp, cô vội đặt điện thoại sang một bên, và mãi đến cuối ngày, cô mới gửi tin nhắn đi.
Tại Dayton, Ohio, cách đó khoảng 700 dặm, Isaiah Stearns đang cảm thấy thất vọng. Anh vừa mới mua một chiếc điện thoại di động có gói cước mới. Stearns về nhà và phát hiện số điện thoại đó không hoạt động. Anh vội vã lái xe quay lại cửa hàng điện thoại. 30 phút sau khi về nhà, anh nhận được tin nhắn đầu tiên. Nội dung câu này như sau: “Đừng làm điều gì vì lòng ích kỷ hay vì hư vinh. Nhưng hãy khiêm nhường, coi trọng người khác hơn mình.” Điều đó làm anh ấy mỉm cười. Anh gõ lại, “Đồng ý.” Và rồi anh ấy nói thêm: “Đây là ai thế?”
Vấn đề sai sót đã làm thay đổi cuộc đời của cả hai, lúc ấy Rivera gửi tin nhắn cho người bạn của mình, nhưng không biết bạn đã đổi số, và số điện thoại ấy đang thuộc về Stearns. Cô gửi lại lời xin lỗi và anh trả lời, “Chúng ta chưa từng gặp nhau, nhưng qua tin nhắn của bạn, tôi có thể thấy rằng bạn yêu Chúa. Thật tuyệt vời.” Sau đó, anh hỏi cô liệu họ có thể nói chuyện qua điện thoại không. Chẳng bao lâu sau, họ nói chuyện với nhau mỗi ngày và tình bạn mới chớm nở đã nở rộ thành tình yêu. Nhưng hai người vẫn chưa dự tính gặp nhau.
Mẹ của Rivera, tình cờ sống gần nhà Stearns ở Ohio, đề nghị gặp anh trước và sẽ “báo cáo” lại tình hình cho con gái. Trong bữa tối, hai người trò chuyện và cười đùa vui vẻ. Anh chia sẻ câu chuyện của mình và bà trả lời những câu hỏi của anh về con gái mình.
“Theo thang điểm từ 1 đến 10, anh ấy được mấy điểm?” Rivera hỏi khi cô và mẹ nói chuyện qua điện thoại. “11!” mẹ cô hét lên. “Con sẽ kết hôn với anh chàng này.”
Và Rivera đã làm thế. Bốn tháng sau tin nhắn nhầm lẫn năm 2009, Rivera và Stearns đính hôn và kết hôn vào năm 2010. Hiện tại họ có sáu người con chung.
Rõ ràng, nếu Rivera không đột nhiên bị ngập trong công việc, nếu công ty điện thoại không mắc lỗi, nếu Stearns không nhanh chóng sửa lỗi… thì họ sẽ không bao giờ biết đến sự tồn tại của người kia. Và nếu mẹ của Rivera không tiếp cận đủ gần Stearns để bà có thể đánh giá anh trực tiếp, Rivera có thể sẽ chẳng thèm để ý đến câu hỏi vô duyên “Đây là ai thế?” của Stearns.
Chỗ ngồi tốt nhất
Khi hơn 18,000 người hâm mộ khúc côn cầu xếp hàng tại Climate Pledge Arena để xem trận đấu trên sân nhà đầu tiên của Seattle Kraken vào Tháng Mười năm 2022, Brian Hamilton, trợ lý quản lý thiết bị cho đội Vancouver Canucks đến làm khách, bày ra gậy khúc côn cầu, mặt nạ và nước đóng chai của đội.
Trong lúc đó, anh không để ý đến người phụ nữ tên là Nadia Popovici đang ngồi ngay phía sau mình. Cô cũng không để ý nhiều đến anh. Đến giữa trận đấu, ánh mắt của Popovici dừng lại ở một điểm kỳ lạ trên người đàn ông đang ngồi cùng các cầu thủ Canucks. Qua lớp kính của đấu trường, cô phát hiện ra một nốt ruồi xấu xí ở sau cổ Hamilton: màu đỏ và nổi lên với đường viền không đều. Cô từng chứng kiến điều tương tự khi còn là một tình nguyện viên ở bệnh viện và sắp trở thành sinh viên y khoa. Đó là khối u ác tính. Cô chắc chắn về điều đó, nhưng không biết phải tiếp cận Hamilton như thế nào.
Trong khi Hamilton nán lại gần sân băng giữa các hiệp đấu, Popovici, mặc đồ Kraken, gõ vào kính để gây sự chú ý cho Hamilton, rồi đưa điện thoại của mình ra với dòng chữ: “Nốt ruồi ở sau gáy của bạn trông giống như ung thư. Bạn nên đi gặp bác sĩ!”
Hamilton chỉ liếc nhìn tin nhắn, đưa tay ra sau, xoa xoa gáy một cách khó chịu. Vài ngày sau, anh đến gặp bác sĩ của Canucks, và được chỉ định đi làm sinh thiết. Kết quả xét nghiệm dương tính – ung thư hắc tố ác tính giai đoạn hai, đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Hamilton cắt bỏ nốt ruồi ung thư và tiên lượng của anh ấy rất tốt.
“Em đã cứu tôi,” Hamilton nói. “Bác sĩ nói rằng nếu tôi phớt lờ đi điều đó trong bốn đến năm năm nữa, tôi sẽ không còn sống ở đây.”
Hai người gặp nhau ở trận đấu tiếp theo giữa Canucks và Kracken, nơi Hamilton có thể trực tiếp cảm ơn thiên thần hộ mệnh của mình và nói với cô rằng mẹ anh rất yêu cô. Popovici trả lời tờ Athletic rằng anh ấy không cần phải cảm ơn. “Đó chỉ là một khoảnh khắc trong cuộc đời mà chúng ta gặp nhau đúng lúc.”
Tìm thấy mẹ
Sue Cleaver chưa bao giờ nghĩ rằng bà sẽ gặp được mẹ ruột của mình.
Cleaver, một nữ diễn viên nổi tiếng với vai diễn 20 năm trong bộ phim truyền hình dài tập Coronation Street của Anh, được một gia đình nhận nuôi khi mới sinh và bà cũng vô cùng thương yêu họ. Tất cả những gì bà ấy biết về việc nhận con nuôi là tên mẹ ruột của mình, Lesley Sizer Grieve, và việc bà sinh ra ở phía bắc London. Bà không cần biết thêm nữa, nhưng đôi khi trong tâm tưởng, Cleaver vẫn đau đáu với nguồn gốc của mình.
Mọi chuyện đã thay đổi khi cô ở độ tuổi đầu 20. Khi còn là một diễn viên trẻ, Cleaver đảm nhận một vai diễn trong vở kịch Oedipus Rex. Khi đó, bạn diễn của cô, Michael N. Harbor, không thể rời mắt khỏi Cleaver, và thốt lên với người quản lý sân khấu: “Ôi Trời ơi, cô ấy giống hệt vợ tôi lúc trẻ.”
Hai diễn viên nói chuyện tại bữa tiệc tối của đoàn làm phim và trở nên thân thiết. Cleaver viết: “Tôi hoàn toàn bị ám ảnh và cuốn hút bởi gia đình ông, tôi không biết tại sao”. Harbor hỏi về tông tích của Cleaver, và biết cô ở phía Bắc London, một thị trấn nhỏ tên là Barnet. Sinh nhật của cô là ngày 2 Tháng Chín năm 1963. Harbor phải hít một hơi thật sâu. Ông tin rằng câu chuyện của Cleaver trùng khớp với câu chuyện của vợ ông, Lesley Sizer Grieve. Khi còn là một thiếu nữ, Grieve đặt tên con gái mới sinh của mình là Claire, và cho đứa bé làm con nuôi. Năm năm sau, bà kết hôn với Harbor và họ có với nhau hai cô con gái.
Sau khi nói chuyện với vợ, Harbor đến căn hộ của Cleaver để chia sẻ tin tức. Lúc đầu, cô tỏ ra hoài nghi. Biết được tên đệm kỳ lạ của mẹ, cô quyết định hỏi ông Harbour.
“Tên của cô là Claire Grieve. Mẹ của cô là Lesley Sizer Grieve,” ông trả lời đúng.
Cleaver thực sự bất ngờ và cũng rất vui mừng. Cô đồng ý để ông Harbor sắp xếp cho mẹ ruột và con gái gặp nhau tại khách sạn. Khi Grieve mở cửa, cả hai bước tới ôm nhau mà không nói một lời.
Sống sót sau trận lụt và tìm thấy tình yêu
Bị mắc kẹt trong lũ lụt không phải là một ngày may mắn đối với bất kỳ ai. Trừ khi bạn là Justin và Jessica Walker.
Vào Tháng Tám năm 2004, Jessica, khi đó là sinh viên của đại học Virginia Commonwealth University. Một hôm trời mưa như trút trong cơn bão nhiệt đới Gaston đang tàn phá Richmond, Virginia, Jessica ra ngoài phòng tập thể dục của trường, và không thấy xe của mình đâu cả. Khi ấy Justin bước ra, đề nghị chở cô tới nơi trú ẩn. Jessica nghĩ bụng: “Mưa lớn thế này, không có ai chở đi cũng kẹt. Được thôi, có lẽ anh chàng đang để ý mình.”
Mọi chuyện trở nên tồi tệ khi Justin, người mới đến Richmond, rẽ nhầm vào phố Main, khiến hai người bị kẹt trong dòng xe cộ đông đúc, tắc nghẽn vì nước lũ dâng cao và những chiếc xe bị bỏ lại. Đúng lúc hai người nghĩ rằng vận rủi của họ không thể tệ hơn được nữa, một con sóng lớn ập đến chiếc xe của Justin, nước mưa tràn vào qua các lỗ thông hơi, thế là nước cứ thế mà dâng cao. Justin mở cửa xe, đẩy Jessica ra ngoài, rồi anh cũng thoát khỏi chiếc xe ngập nước.
Vật lộn với dòng nước chảy xiết và đống đổ nát, hai người đã đến được bậc thềm của một nhà ga xe lửa gần đó. Họ dành vài giờ tiếp theo để giúp những người khác đến nơi an toàn bên trong nhà ga cho đến khi Amtrak điều một chuyến tàu đến chở những người mắc kẹt lên nơi cao hơn. Run rẩy trong bộ quần áo ướt, chia nhau nửa chiếc bánh sandwich và một cốc bia.
“Chúa đã cho tôi dấu chỉ,” Jessica nói. “Và tôi biết: Đây chính là người đàn ông tôi sẽ kết hôn.”
Nếu Justin không rẽ nhầm đường, có lẽ hai người tránh được dòng nước lũ, họ có thể không bao giờ nói chuyện với nhau. Bốn năm sau, Justin và Jessica kết hôn. “Tôi mất toi chiếc xe trong bão lũ, nhưng lại có được một người vợ,” Justin nói.
Xổ số
Bản chất của trò chơi may rủi là phụ thuộc vào may mắn. Như hai câu chuyện dưới đây cho thấy, đôi khi cần phải có thêm nhiều may mắn hơn nữa.
Vài năm trước, LaQuedra Edwards vào một siêu thị Vons ở Tarzana, California, đút $40 vào máy bán vé số để mua bốn tờ vé số với giá $10 mỗi tờ. Khi cô sắp bấm nút, một người đàn ông đi ngang qua va vào cánh tay cô, khiến Edwards bấm nhầm nút và mua phải một tấm vé cào trị giá $30, đắt hơn nhiều so với loại vé mà cô muốn chơi.
Bực bội, cô rời khỏi cửa hàng, leo lên xe và quyết định cào luôn chiếc vé số. Cô rút một đồng xu ra khỏi ví và cào vào ô đầu tiên. Cô phải gạch bỏ 10 số và 35 ô vuông. Mỗi con số trùng với một ô vuông sẽ trả cho cô một số tiền, từ 10 đến $10 triệu. Trên tấm vé của cô, chẳng có số nào khớp. Cô vẫn tiếp tục cào, hy vọng của cô ngày một mờ nhạt sau mỗi lần cào. Nhưng thật bất ngờ, khi con số trùng khớp xuất hiện. Cô đặt tấm vé lên đùi rồi lái xe về nhà, vừa lái vừa liếc nhìn tấm vé đó. Thì ra cú va chạm của gã thô lỗ kia vô tình nhưng lợi nhuận nhất từ trước đến nay. Tấm vé mà cô không muốn đã trúng thưởng. Một giải thưởng lớn. Khoảng $10 triệu.
Trong một diễn biến khác của số phận xổ số, ông Jerry Hicks đang đi vào một cửa hàng tiện lợi Speedway ở Banner Elk, North Carolina, vào Tháng Mười năm ngoái thì phát hiện ra một tờ $20 trên bãi đậu xe. Sự xui xẻo của người khác lại trở thành may mắn cho Hicks. Ông ấy quyết định dùng số tiền “trên Trời rơi xuống” này để mua vé số. Ông Hicks tìm một loại vé số mà ông đã từng chơi trước đó, nhưng cửa hàng không bán. ông quyết định thêm $5 để mua một vé cào Extreme Cash trị giá $25. Ông trúng $1 triệu! Là một thợ mộc lành nghề, Hicks cho biết ông dự định dùng tiền trúng số để nghỉ hưu và giúp đỡ con cái.
The post Những câu chuyện may mắn ngẫu nhiên có thật trên đời appeared first on Saigon Nhỏ.