
Bắt đầu từ đầu Tháng Sáu, các công ty xổ số miền Nam sẽ được phát hành 14 triệu tờ mỗi kỳ (tăng lên 1 triệu tờ mỗi kỳ so với trước đây). Với giá 10,000đồng/tờ, tổng mức doanh số bán vé số sẽ tăng lên 140 tỷ đồng/kỳ/công ty.
Việc tăng số lượng phát hành vé số được nhà nước cộng sản giải thích là giúp tăng thu nhập người bán vé số dạo. Tuy nhiên thực tế không phải vậy. Bởi vì các công ty xổ số tăng số lượng vé bán nhưng không tăng phần trăm chia hoa hồng cho người bán vé số. Như vậy người bán vé số muốn tăng thu nhập thì phải bán thêm được nhiều vé hơn, bỏ ra nhiều công sức hơn.
Bên cạnh đó có một luật ngầm là người bán vé số dạo không được trả lại vé số ế. Chuyện này đã xảy ra suốt hơn 20 năm nay. Báo chí CSVN cũng có nhiều bài viết phản ánh rằng người bán vé số dạo lãnh bao nhiêu thì phải bán hết, còn bán ế thì phải tự “ôm.” Các đại lý vé số không nhận lại vé ế.
Hoặc họ ra những quy tắc rất ngặt nghèo là phải trả lại vé số ế trước 14 giờ chiều (16:30 xổ số). Mà ai trả lại vé số ế thì ngày hôm sau sẽ bị cắt bớt lượng vé số được nhận. Cho nên hầu như tất cả những người bán vé số dạo phải cố gắng bán cho hết số lượng được nhận. Và từ đó mới có cảnh mỗi khi gần tới giờ xổ số là người bán vé số dạo phải khóc lóc đi năn nỉ từng người để mua giùm vé số ế.
Thời điểm tăng số lượng phát hành vé số này trùng hợp với việc phải chi 170 ngàn tỷ để đền bù cho 100 ngàn cán bộ cộng sản bị về hưu non trong đợt tinh gọn gần đây. Và cũng trùng hợp với chỉ nhận định của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc “tiền trong dân còn nhiều,” trùng hợp luôn với việc Thủ Tướng Phạm Minh Chính phát động “phong trào toàn dân thi đua làm giàu.”
Những sự trùng hợp lạ kỳ này càng khiến người ta liên tưởng tới việc gom tiền lẻ trong dân để nuôi quan chức cộng sản. Nói nôm na là “cướp của người nghèo chia cho người giàu.” Vì sao lại liên tưởng như vậy?
Thứ nhất, người bán vé số dạo hầu như là những người nghèo, người thất nghiệp, người già, trẻ em, người khuyết tật… Chia hoa hồng ít, không thu lại vé số ế, tức là đang kiếm tiền trên mồ hôi nước mắt của dân nghèo chứ còn gì!
Thứ hai, người mua vé số cũng nghèo nên mới mong chờ vào một cơ hội đổi đời. Nhưng trái ngang là các công ty vé số là các công ty nhà nước từng bị lộ ra nhiều vụ tiểu xảo để gian lận kết quả xổ số. Thế là khoảng 40 triệu vé bán ra mỗi ngày nhưng đâu mấy khi thấy có người trúng giải độc đắc, hoặc có trúng thì đa phần là quan chức dùng để rửa tiền, chứ dân thường hầu như chỉ trúng những giải nhỏ khoảng vài triệu đồng thôi.
Một vài con số cần biết, miền Nam có 21 tỉnh thì có 21 công ty phát hành vé số. Hàng tuần mỗi công ty có một kỳ xổ số, riêng Thành Hồ mỗi tuần có hai kỳ xổ số. Tức là mỗi ngày có 3 công ty phát hành vé số, riêng ngày Thứ Bảy có 4 công ty (công ty xổ số Thành Hồ phát hành ngày thứ Hai và thêm ngày thứ Bảy hàng tuần).
Sau khi tăng lượng vé số lên, mỗi ngày sẽ có tổng cộng 42 triệu tờ được bán ra, tương đương trị giá 420 tỷ/ngày. Thứ Bảy có 56 triệu tờ được bán ra, là 560 tỷ/ngày. Tổng mỗi tuần thì 21 công ty xổ số miền Nam bán ra 308 triệu tờ, trị giá 3,080 tỷ đồng. Với luật ngầm không thu lại vé số ế của người nghèo, tỷ lệ tiêu thụ vé số miền Nam luôn đạt trên 99%; 1% còn lại là ưu tiên các đại lý lớn mới được phép trả về cho tổng công ty.
Dự tính sau sáp nhập tỉnh thành, các công ty vé số – món lời béo bở này là một trong những thứ không tinh gọn. Dự kiến sẽ có hai phương án cho các công ty này. Một là giữ nguyên các công ty cũ và lịch xổ số cũ. Hai là hợp nhất các công ty xổ số theo tỉnh, và tăng lên mỗi tuần xổ số 3 kỳ. Tức là CSVN chỉ có giữ nguyên hoặc tăng lượng bán ra chứ không bỏ qua mỏ vàng vé số này được.
Việc tăng số lượng vé số cũng cho thấy những bế tắc trong việc phát triển kinh tế, thu hút đầu tư quốc tế của CSVN nên mới phải tìm cách gom tiền lẻ hút từng giọt máu của dân. Một đất nước mà càng nhiều người mua vé số, trông chờ vào một cơ hội đổi đời mang tính may rủi thì càng cho thấy tình trạng bấp bênh trong đời sống người dân, họ không còn đủ niềm tin vào việc làm giàu bằng sức lao động nữa. Một đất nước mà phải tìm cách tăng thu ngân sách bằng mồ hôi nước mắt của người nghèo, người già, trẻ em, người khuyết tật bán vé số dạo thì làm sao dám mơ tới “kỷ nguyên vươn mình” như “cái bánh vẽ” của Tô Lâm?
The post Phát hành thêm vé số, gom tiền lẻ, hút máu dân! appeared first on Saigon Nhỏ.