Mạng xã hội gần đây chia sẻ thông tin về việc một nữ sinh ở Hà Nội bị đội xung kích của trường cắt quần do mặc sai quy định về trang phục.
Trả lời báo Nhà nước vào ngày 21/1, đại diện Trường THPT Phan Huy Chú – Quốc Oai – Hà Nội xác nhận vụ việc liên quan một nữ sinh lớp 10 của trường mặc quần jean đi học sai quy định vào ngày 18/1 và đã bị ‘xử lý’ bằng cách cắt quần của nữ sinh.
Thầy Đỗ Việt Khoa, hiện giảng dạy tại trường Trung học Phổ thông Thường Tín – Hà Nội, khi trả lời RFA về vấn đề này hôm 22/1, nói:
“Tôi cho rằng hành vi cắt quần học sinh như thế là vi phạm nhân quyền rất nghiêm trọng, phải kỷ luật nghiêm khắc những giáo viên, những lãnh đạo chủ trương hành vi đó. Đồng phục học sinh theo quy định của bộ giáo dục là tùy các trường đặt mẫu đồng phục, để vận động học sinh ăn mặc cho đẹp, chứ không phải bắt buộc phải có đồng phục. Hoặc các trường muốn học sinh mặc đồng phục để nhận diện ra trường mình.”
Tôi cho rằng hành vi cắt quần học sinh như thế là vi phạm nhân quyền rất nghiêm trọng, phải kỷ luật nghiêm khắc những giáo viên, những lãnh đạo chủ trương hành vi đó.
-Thầy Đỗ Việt Khoa
Theo thầy Khoa, nhà trường chỉ có quyền vận động học sinh, chứ không thể cưỡng bức các em bằng cách cắt quần như thế. Thầy Khoa nói tiếp:
“Học sinh mặc quần jean vào trường không phải là đồng phục thì chúng ta có những biện pháp nhắc nhở, xử lý… ví dụ như là nhắc nhở trước lớp, có một số trường bắt các em lau bảng, lau bàn, dọn vệ sinh để cảnh cáo các em… chứ không có quyền phạt học sinh bằng cách hạ hạnh kiểm học sinh nghiêm trọng. Hiện nay, với sự phát triển mạnh của internet, của mạng xã hội… thì những hành vi ấy phải được lên án công khai và phải bị xử lý nghiêm khắc.”
Cũng theo truyền thông Nhà nước, đại diện Trường THPT Phan Huy Chú cho biết, trường đã mời các học sinh và gia đình đến làm việc. Vị này cho biết thêm, nhà trường có nội quy học sinh mặc đồng phục đi học hàng ngày, không mặc quần jean, đi dép lê, đeo khuyên tai, nhuộm tóc không đúng quy định… Nếu vi phạm nhà trường sẽ ‘nhắc nhở học sinh thực hiện đúng nội quy’.
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP.
Phó giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhà nghiên cứu ngôn ngữ thuộc Đại học Sư phạm TPHCM, nhận định với RFA hôm 22/1/2024:
“Thật ra theo tôi biết thì cũng có nước hoặc ngay trong một nước có nhiều quy định khác nhau về đồng phục. Có nước thì họ thoải mái mặc gì cũng được, còn nước thì bên cạnh các trường bắt buộc mặc đồng phục thì có những trường chấp nhận mặc khác nhau. Vấn đề chưa phải là mặc đồng phục hay không, mà cách đối xử với việc mặc đồng phục. Như việc lấy kéo cắt quần, cắt áo của người ta, nhất là trong nhà trường, cái đó phản giáo dục cực kỳ.”
Phó giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng so sánh với việc cắt tóc, cắt quần ngay sau 1975:
“Ngày trước, sau 1975 đã từng có các đội cờ đỏ, thậm chí công an đứng ở ngã tư đường, thanh niên đi ngang mặc quần ống loe là họ cắt, hoặc tóc dài quá thì họ đè đầu xuống cắt một miếng tóc. Việc cắt ngày đó và cắt quần học sinh trong nhà trường hiện nay cũng không xa nhau bao nhiêu. Trước đây người ta dị ứng chuyện đó như thế nào, thì bây giờ chắc người ta dị ứng còn nhiều hơn. Tại vì ngày trước còn cho rằng tình hình chính trị xã hội khác, bây giờ mấy chục năm rồi mà đầu óc đó không mảy may suy suyển, cái đó mới kinh khủng.”
Thật ra đồng phục các trường đều nói là để không tạo ra sự khác biệt cho hoc sinh, để nhận diện học sinh của trường mình một cách dễ dàng, để những học sinh giàu và nghèo không mặc cảm khoảng cách… Nhưng thực sự biện pháp ấy hình như không có tác dụng.
-Thầy Đỗ Việt Khoa
Các trường học tại Việt Nam đều có những lý do riêng cho việc sử dụng đồng phục. Có trường cho là định hướng nhận diện thương hiệu trường hay sự nghiêm trang, chỉn chu khi đến lớp… Bên cạnh đó, đa số các nhà trường khi bắt học sinh sử dụng đồng phục đều cho rằng ‘đồng phục giúp học sinh nghèo bớt mặc cảm, tự ti’.
Liên quan vấn đề này, Thầy Đỗ Việt Khoa nói:
“Thật ra đồng phục các trường đều nói là để không tạo ra sự khác biệt cho hoc sinh, để nhận diện học sinh của trường mình một cách dễ dàng, để những học sinh giàu và nghèo không mặc cảm khoảng cách… Nhưng thực sự biện pháp ấy hình như không có tác dụng. Một ít đồng phục bây giờ làm cho người ta nghèo đi, học sinh mặc đồng phục thì rất nhiều nơi đồng phục xấu xí lắm. Đồng phục không phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội ở nhiều địa phương. Như Hà Nội kinh tế phát triển, nhưng đồng phục nhiều nơi may rất xấu và rất rẻ tiền. Một số nơi đồng phục có tác dụng để lãnh đạo kiếm chác, ví dụ như trường Vân Tảo cũ của tôi.”
Một phụ huynh ở Sài Gòn không muốn nêu tên vì lý do an toàn, cho RFA biết ý kiến của mình:
“Trẻ con đi học thì cũng nên cho chúng mặc đồng phục cho giống nhau ở trong trường, nhưng càng ngày đồng phục càng trở thành một cái món để cho phụ huynh phải lo lắng. Bởi vì nào là phải mua nguyên cái áo ở trường để có cái phù hiệu của trường, rồi đã vậy quần áo mặc tập thể dục cũng là của trường nữa… Thành ra một gia đình mà có ba con đi học thì phụ huynh cũng có một nỗi lo rất lớn.”
Dư luận mạng xã hội cho rằng, đừng lấy lý do phá vỡ phân biệt giàu nghèo để bắt học sinh mua đồng phục… vì có thể bộ đồng phục lại trở thành gánh nặng của phụ huynh.
Tin từ RFA Read More