Vietnam

Sáp nhập tỉnh thành: trách nhiệm cá nhân và thử thách mới của Tổng Bí thư Tô Lâm

Chính sách sáp nhập tỉnh, thành phố, cùng với hàng loạt cải cách hành chính và tổ chức bộ máy đồng bộ, đang được triển khai với một tốc độ và sự quyết liệt đáng kinh ngạc, mang đậm dấu ấn của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Chỉ trong vòng chưa đầy một năm kể từ khi Tổng Bí thư Tô Lâm đăng quang vị trí lãnh đạo cao nhất, ngày 3 tháng Tám năm 2024, một cuộc cải tổ quy mô lớn đã đi vào thực tế: số lượng tỉnh thành giảm từ 63 xuống còn 34, bao gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương.

Cuộc cải cách thần tốc và tài thao lược của ông Tô Lâm

Sáp nhập các tỉnh, thành và cơ cấu lại bộ máy hành chính 3 cấp (trung ương, tỉnh/thành phố, xã/phường), từ ngày 01 tháng Bảy năm 2025, là một trong những cuộc cải cách hành chính quy mô lớn nhất, và với tốc độ nhanh nhất, quyết đoán nhất, trong lịch sử hiện đại của đất nước.

advertisement

Nó phát đi tín hiệu rõ ràng về ý chí chính trị cao độ của người đứng đầu. Ông Tô Lâm muốn tạo ra sự thay đổi nhanh chóng và dứt khoát, nhằm tránh sự trì hoãn hay cản trở từ các lợi ích nhóm hay sự bảo thủ trong hệ thống.

Một nhà quan sát chính trị ở Hà Nội trao đổi với RFA trong điều kiện ẩn danh về tốc độ cải cách kinh ngạc này:

“Thực ra tinh gọn bộ máy và chấm dứt tình trạng manh mún, cát cứ của nền kinh tế là điều đã được bàn từ lâu nhưng không ai làm được. Hệ thống và sức ỳ của nó quá lớn. Ông Tô Lâm rõ ràng đã chuẩn bị kĩ lưỡng, khi nắm quyền lực thì làm ngay. Ông ấy điều động hệ thống như chơi cờ vây, các lực lượng khác chỉ là quân cờ thụ động nên không kịp phản đối hoặc cũng không chống đối được. Nếu ông ấy từng bước, có thử nghiệm thì lực lượng cản phá trong hệ thống sẽ tập hợp lại rất mạnh và cuối cùng cuộc cải cách sẽ chẳng đi tới đâu. Ông ấy hội tụ cả hai năng lực là “ra tay quyết đoán” và “cao thủ cờ vây” nên mới có thể buộc cả bàn cờ phải thay đổi.”

Điều này cho thấy một mức độ tập trung quyền lực và ý chí chính trị đủ mạnh của ông Tô Lâm. Sức mạnh đó đã chứng tỏ khả năng thực hiện những thay đổi lớn, dù có thể gây xáo trộn ban đầu.

Cuộc “sắp xếp lại giang sơn” này, như RFA từng chỉ ra, gắn liền với cuộc sắp xếp nhân sự chuẩn bị cho Đại hội 14 của ĐCSVN đầu năm 2026, nơi mà theo hầu hết các nhà quan sát, ông được kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ quyền lực. Tuy nhiên, đối với Tổng Bí thư Tô Lâm, điều đó chỉ là một phần nhỏ của bức tranh. Ông nhấn mạnh rằng việc chuẩn bị nhân sự không chỉ phục vụ cho một kỳ đại hội mà còn là sự chuẩn bị cho tương lai, cho “vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước.”

Những hệ lụy và thiếu sót của cải cách thần tốc

Mặc dù chính sách sáp nhập tỉnh, thành và các cải cách đồng bộ mang lại nhiều lợi ích tiềm năng, tốc độ triển khai nhanh chóng đã không tránh khỏi những hệ lụy, thiếu sót, đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống chính trị và xã hội.

Báo Pháp luật Tp. HCM từng đăng bài báo “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Cần Thơ mới sẽ có 1 chủ tịch và 17 phó chủ tịch.” Sau đó, bài báo sửa đổi, xóa nội dung “có 17 phó chủ tịch” kia.

Tuy nhiên, có những thiếu sót mới phát sinh đã cho thấy rằng thách thức “con người” là cốt lõi và vượt xa vấn đề dôi dư biên chế.

advertisement

Trường hợp sáp nhập Thành phố Hồ Chí Minh với tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu là một minh chứng rõ nét. Sau sáp nhập, trung tâm hành chính vẫn đặt tại Quận 1. Khoảng cách từ trung tâm Bình Dương đến Quận 1 là khoảng 42km, và từ Bà Rịa – Vũng Tàu là 77km. Để giải quyết vấn đề đi lại cho cán bộ, Thành phố Hồ Chí Minh đã phải lên phương án tổ chức xe đưa đón hàng ngày từ Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu đến Thành phố Hồ Chí Minh làm việc, với chi phí dự kiến gần 1.3 tỷ đồng mỗi tháng trong giai đoạn đầu. Sở Xây dựng thành phố này cho biết, “khảo sát hơn 1.000 người cho thấy khoảng 83% cán bộ, công chức, viên chức ba địa phương có nhu cầu đi về trong ngày.” Trao đổi với RFA, Tiến sỹ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy nhận xét rằng các vị lãnh đạo mới đã không

“Không ai có thể thức dậy từ 4 giờ sáng để xuất phát từ Vũng Tàu lúc 5 giờ sáng, lên Sài Gòn làm việc lúc 8 giờ sáng, và trở về nhà lúc 8 giờ đêm, trong khi mỗi tháng nhận lương vài triệu đồng. Ai đưa đón, chăm sóc con cái họ? Về nhà lúc 8 giờ đêm, ăn uống, tắm rửa, dọn dẹp nhà cửa xong là nửa đêm. Những công chức này sẽ chỉ còn 4 tiếng để ngủ? Chỉ có những “bộ óc thiên tài lộn ngược” mới nghĩ ra được việc sắp xếp công việc cho công chức như vậy.”

Ở Hà Nội, nhiều cán bộ từ thành phố được điều động về xã, bắt đầu từ 1 tháng Bảy, phải vượt chặng đường từ 30 km đến 80 km, phải qua đò ngang trên sông Hồng để làm việc tại xã Minh Châu thuộc Ba Vì.

Thực tế này cho thấy một mâu thuẫn giữa mục tiêu tinh gọn bộ máy và hiệu quả vận hành. Khoảng cách địa lý và sự thiếu hụt hạ tầng giao thông công cộng phát triển đã làm suy yếu hiệu quả của việc tinh gọn bộ máy.

Mặc dù mục tiêu là giảm thiểu sự trùng lặp và nâng cao hiệu suất, việc cán bộ phải mất nhiều giờ di chuyển hàng ngày, cùng với chi phí đáng kể cho xe đưa đón, cho thấy rằng sự tinh gọn về số lượng đơn vị hành chính không tự động dẫn đến hiệu quả vận hành nếu không có hạ tầng hỗ trợ đồng bộ.

Điều này đặt ra câu hỏi về tính bền vững và thực tế của việc tập trung hóa hành chính mà không đi kèm với đầu tư hạ tầng tương xứng. Người dân và doanh nghiệp ở các địa bàn sáp nhập gặp khó khăn khi cần liên hệ công việc, giải quyết thủ tục hành chính với chính quyền cấp xã, cũng như các cơ quan cấp tỉnh, thành, như Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Bảo hiểm xã hội, Kho bạc Nhà nước, ngân hàng, cơ quan thuế, do khoảng cách đến trụ sở làm việc xa hơn đáng kể.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ kinh doanh cũng bị ảnh hưởng đáng kể do phải điều chỉnh thông tin, đặc điểm nhận biết, làm tăng chi phí đầu vào, nguyên liệu, giá thành sản phẩm do điều chỉnh giá đất, thuế, phí, lệ phí. Điều này sẽ xảy ra tại những nơi trước đây là “nông thôn” nay đã trở thành “đô thị.” Một nhà quan sát trao đổi với RFA nhận xét của mình với điều kiện ẩn danh:

“Nếu không có các giải pháp bù đắp hiệu quả, việc sáp nhập với tốc độ quá nhanh, khi chưa kịp chuẩn bị về hạ tầng, có thể làm giảm chất lượng dịch vụ công và tăng gánh nặng cho người dân, đặc biệt ở các vùng nông thôn và miền núi, đi ngược lại mục tiêu ban đầu của chính sách.”

Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời

Cuộc cải cách hệ thống hành chính của Tổng Bí thư Tô Lâm nhắm đến nhiều mục tiêu lớn. Mở rộng không gian phát triển cho các tỉnh, thành mới, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục cho người dân và doanh nghiệp, cải thiện chất lượng dịch vụ công. Thay vì thụ động tiếp nhận và giải quyết các vấn đề phát sinh, bộ máy mới được định hướng trở thành một hệ thống “kiến tạo,” “chủ động phục vụ”“giải quyết vấn đề” cho người dân và doanh nghiệp. Bộ máy nhân sự mới cũng được kỳ vọng sẽ thực thi chiến lược “mở rộng không gian phát triển”, “phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực” và các “hành lang kinh tế” mà cuộc sắp xếp lại hệ thống hành chính đã tạo ra.

Câu hỏi đặt ra là liệu bộ máy mới của Tổng Bí thư Tô Lâm có đáp ứng được kỳ vọng nêu trên hay không?

“Những bất cập vừa mới xảy ra trong những ngày đầu sáp nhập, tuy là những bất cập nhỏ, đã cho thấy hệ thống nhân sự mới vẫn hoạt động theo tư duy cũ. Những tư duy cũ này sẽ vẫn tiếp tục tồn tại vì chưa có dấu hiệu gì thúc ép nó phải thay đổi.” Đó là nhận xét của một nhà nghiên cứu ở Hà Nội với RFA.

Công văn 03/CV-BCĐ năm 2025 đã quy định rằng địa phương cần bố trí tỷ lệ hợp lý số lượng cán bộ, công chức, viên chức làm việc đồng thời tại trụ sở hành chính của tỉnh cũ và tại trung tâm hành chính – chính trị của tỉnh, thành mới, căn cứ vào điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Tuy nhiên, việc lãnh đạo mới vẫn yêu cầu cán bộ ở các địa phương cũ phải di chuyển tới trụ sở của tỉnh, thành mới, bất chấp khoảng cách và hạ tầng giao thông, cho thấy một sự cứng nhắc, máy móc trong tư duy quản lý và sự chậm trễ trong việc thích ứng với thực tế địa lý mới.

Thử thách mới chờ đợi Tổng Bí thư Tô Lâm

Với tốc độ và quy mô cải cách hành chính, tổ chức bộ máy và nhân sự Đảng chưa từng có, Tổng Bí thư Tô Lâm giờ đây đã nắm trọn đội hình nhân sự của riêng mình, gắn liền với hệ thống hành chính mới do chính ông kiến tạo. Điều này đặt ông vào vị thế là người chịu trách nhiệm cao nhất cho sự vận hành, hiệu quả, và sự trong sạch của bộ máy này.

Thực vậy, kể từ khi được bầu làm Tổng Bí thư vào ngày 03 tháng Tám năm 2024, ông Tô Lâm đã thể hiện một chiến lược dài hạn và toàn diện trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ.

Điều này củng cố quyền lực và tầm ảnh hưởng của ông, tạo nên một “dấu ấn” riêng cho bộ máy lãnh đạo dưới quyền mình.

Sự khác biệt trong trách nhiệm cá nhân của Tổng Bí thư Tô Lâm so với cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác phòng chống tham nhũng là một điểm đáng chú ý.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với chiến dịch “Đốt lò” kiên quyết, thường xuyên nhấn mạnh rằng “người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình”. Mặc dù có ý kiến cho rằng cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể được xem là “vô can” vì mặc dù là “người đứng đầu”, ông xử lý các cán bộ do người khác bổ nhiệm (ví dụ như các cán bộ dưới thời cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng).

Điểm khác biệt mấu chốt ở đây là Tổng Bí thư Tô Lâm đang trực tiếp xây dựng lại toàn bộ đội ngũ và hệ thống hành chính mới. Ông không kế thừa hệ thống cũ. Ông tạo ra hệ thống mới.

Với việc tiếp tục vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và đồng thời là “Kiến trúc sư Trưởng” của cuộc cải cách hành chính và nhân sự quy mô lớn, Tổng Bí thư Tô Lâm giờ đây nắm giữ một trách nhiệm cao nhất và trực tiếp hơn ông Nguyễn Phú Trọng.

Ông không chỉ đơn thuần “xử lý” những sai phạm đã sinh ra và tồn tại trước đó mà còn là người kiến tạo bộ máy mới.

Điều này đặt ông vào tình thế phải chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện hơn đối với hiệu quả, sự trong sạch, và năng lực quản trị của hệ thống mà ông đã định hình và củng cố. Vị thế này liệu có thể mang lại những thách thức tiềm tàng đáng kể đối với Tổng Bí thư Tô Lâm hay không?

Theo một nhà nghiên cứu ở Hà Nội, trao đổi với RFA trong điều kiện ẩn danh, câu trả lời là có. Thách thức đầu tiên là trách nhiệm “kép”: ông vừa là người “đốt lò” để loại bỏ tham nhũng, tiêu cực, vừa là người “xây lò mới” để đảm bảo hệ thống không phát sinh những vấn đề tương tự.

“Ông phải tiếp tục đấu tranh chống tham nhũng trong hệ thống hiện có, đồng thời phải đảm bảo rằng hệ thống mới do ông xây dựng không tái diễn những sai phạm đã từng xảy ra trước đây. Nếu có sai phạm, tham nhũng, hay yếu kém quản trị trong bộ máy mới, trách nhiệm sẽ trực tiếp thuộc về ông, không thể đổ lỗi cho “di sản” của người tiền nhiệm. Điều này tạo ra một áp lực rất lớn lên ông vì nó cá nhân hóa trách nhiệm.

Ông ấy có dễ dàng ngăn chặn những sai phạm cũ tái diễn không? Không. Câu trả lời rất rõ ràng là không. Bởi vì với một hệ thống quản lý hơn một trăm triệu dân, dù ông có tinh gọn nó đến đâu, ông không thể tự mình quản đến từng ngõ ngách. Nó quá lớn. Ông phải để nó tự quản, bằng phương thức cho nó tự cân bằng quyền lực và kiểm soát lẫn nhau, như kinh nghiệm quản trị quốc gia của các nước dân chủ văn minh.”

 

Tin từ RFA Read More

Show More
Back to top button