
Tập đoàn Trường Hải (THACO) vừa trở thành doanh nghiệp mới nhất gửi đề xuất với chỉnh phủ để làm chủ đầu tư cho dự án đường sắt cao tốc Bắc-am.
Với động thái trên, một cuộc đua để giành dự án có trị giá 67 tỷ USD đã chính thức bắt đầu giữa THACO – một doanh nghiệp sản xuất ôtô, với VinGroup – một doanh nghiệp bất động sản.
Tập đoàn VinGroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trước đó cũng đã thành lập công ty VinSpeed với mục đích tham gia vào dự án đường sắt cao tốc, và đã gửi đề xuất đến chính phủ vào ngày 14 tháng 5.
Đề xuất của hai công ty này khá giống nhau về cơ bản, cả hai đều muốn nhà nước phụ trách vấn đề giải phóng mặt bằng, và tách chi phí giải phóng mặt bằng ra khỏi chi phí dự án. Hai công ty đều đề xuất được hưởng nhiều chính sách đặc thù và ưu đãi đặc biệt. Và cả hai đều cam kết sẽ tự huy động 20% vốn của dự án.
Nhưng đáng chú ý hơn cả là những sự khác biệt quan trọng giữa hai đề xuất của VinSpeed và THACO.
Nguồn vốn
Tuy cùng cam kết sẽ tự huy động 20% vốn của toàn bộ dự án, nhưng sự khác biệt giữa hai đề xuất nằm ở 80% còn lại.
Trong công văn được gửi tới Thủ tướng hôm 6 tháng 5, VinSpeed đề nghị Nhà nước cho công ty này vay 80% số vốn còn lại của dự án với lãi xuất 0% trong vòng 35 năm. Điều này có nghĩa Nhà nước phải chịu trách nhiệm huy động 80% số vốn của dự án, sau đó cho VinSpeed vay lại không lãi xuất.
Đối với đề xuất của THACO, công ty này đề nghị sẽ tự đi vay 80% số vốn còn lại từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước. Vai trò của nhà nước đối với khoản vốn này là bảo lãnh khoản vay, và hỗ trợ lãi vay trong 30 năm. Tức, trong trường hợp xấu nhất, nhà nước sẽ đứng ra trả thay cho THACO nếu công ty này không thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ, và trong vòng 30 năm, nhà nước sẽ trả tiền lãi đối với khoản vay của THACO.
Sự khác biệt ở đây là trong khi VinSpeed muốn nhà nước chịu trách nhiệm toàn bộ cho khoản vay của 80% vốn dự án; từ đi vay, chịu trách nhiệm trả nợ, lẫn trả lãi. Còn THACO sẽ lãnh trách nhiệm đi vay và trả nợ, nhà nước chỉ trả lãi và bão lãnh khoản vay.
Một điểm khác biệt nữa là THACO cam kết sẽ không “chuyển giao, chuyển nhượng dự án, vốn góp, cổ phần trong Công ty thực hiện dự án cho nước ngoài”.
Vấn đề nội địa hóa
Cả THACO và VinSpeed đều cam kết sẽ yêu cầu các đối tác thực hiện việc chuyển giao công nghệ trong việc xây dựng và vận hành tuyến đường sắt cao tốc.
Nhưng điểm khác biệt rất lớn nằm ở sự tham gia của doanh nghiệp nội trong việc cung cấp sản phẩm nhằm phục vụ quá trình xây dựng và vận hành.
Trong công văn của mình, VinSpeed yêu cầu nhà nước “miễn thuế toàn bộ” đối với máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải đường sắt, hàng hóa, linh phụ kiện, vật tư, phụ tùng nhập khẩu để xây dựng đường sắt. Chưa đủ, công ty này còn yêu cầu nhà nước miễn thuế đối với hàng nhập khẩu kể cả trong trường hợp các doanh nghiệp nội địa có thể sản xuất được mặt hàng đó.
Ngược lại, THACO chỉ yêu cầu miễn thuế đối với các mặt hàng mà các doanh nghiệp nội địa không sản xuất được. Và thậm chí cam kết sẽ phối hợp với các doanh nghiệp trong nước “nhận chuyển giao công nghệ để sản xuất đầu máy, toa tàu, thiết bị vận hành” và mở các khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ.
Rõ ràng, trong hai đề xuất này thì đề xuất của VinSpeed sẽ tạo ưu thế tuyệt đối cho hàng nhập khẩu do được miễn thuế hoàn toàn. Còn đề xuất của THACO sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia vào quá trình xây dựng hệ thống đường sắt tốt hơn.
Vai trò của Nhà nước trong quản lý vận hành
99 năm là khoảng thời gian VinSpeed muốn được độc quyền quản lý vận hành hệ thống đường sắt cao tốc bắc-nam, vai trò của nhà nước không được nhắc đến trong văn bản do công ty này gửi Thủ tướng Chính phủ.
Với THACO con số là 70 năm. Tuy nhiên, trong vấn đề quản lý vận hành, THACO đề xuất “nhà nước sẽ sở hữu một số cơ sở vật chất và đảm nhiệm một phần công việc trong quản lý vận hành”, nhằm đảm bảo an ninh quốc gia. Và nếu cần thiết sẽ “giao Nhà nước toàn quyền sử dụng toàn bộ Dự án”.
Đối với vấn đề giá vé, VinSpeed muốn được quyền đề xuất giá vé với mức giá tối thiểu tương đương 60%-70% giá vé máy bay. Còn THACO đề xuất cơ quan nhà nước phê duyệt trên tinh thần “đảm bảo phương án tài chính và thời gian hoàn vốn cho Dự án”.
Vấn đề sử dụng đất dọc đường sắt
Cả VinSpeed và THACO đều muốn được giao đất ở khu vực gần tuyến được sắt để phát triển các dự án bất động sản.
Tuy nhiên, trong khi VinSpeed chỉ nói sẽ xây dựng các khu đô thị và dự án bất động sản chung chung, thì THACO đề xuất sẽ xây dựng các “dự án phát triển đô thị theo mô thình TOD”, với “giá hợp lý”.
TOD hay Transit-Oriented Development là một mô hình quy hoạch đô thị dành cho các khu dân cư nằm gần tụ điểm giao thông quan trọng, trong trường hợp này là các khu đô thị nằm cạnh nhà ga tàu cao tốc, và được thiết kế nhằm tạo sự thuận lợi để người dân có thể di chuyển tới nhà ga một cách dễ dàng.
Thời gian triển khai
Nghị quyết xây dựng Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam được Quốc hội thông qua hồi tháng 12 năm 2024 xác định độ dài của toàn tuyến đường sắt là 1.541km.
Trong đề xuất của mình, VinSpeed cam kết sẽ hoàn thành dự án và đưa vào khai thác vận hành trong vòng 5 năm kể từ khi được nhà nước bàn giao mặt bằng sạch.
Còn THACO đề xuất chia toàn bộ dự án thành hai giai đoạn:
- Giai đoạn dầu dài 5 năm, tập trung xây hai phân đoạn từ Hà Nội đến Hà Tĩnh và từ TP. HCM đến Nhà Trang.
- Giai đoạn hai kéo dài 2 năm, xây dựng đoạn còn lại.
Tin từ RFA Read More