Vietnam

Thủ Tướng Phạm Minh Chính chờ cơ hội rửa hận?

Chính trường Việt Nam vẫn trong bầu không khí căng thẳng trước Đại hội Đảng XIV. Sau thất bại cuộc đua vương quyền với Tổng Bí Thư Tô Lâm, mới đây Thủ Tướng Phạm Minh Chính đã động thái hết sức bất thường, ký đồng loạt 11 quyết định bổ nhiệm nhân sự cấp cao ở Bộ Quốc Phòng.

Phải chăng đây là chiến lược tái lập lại lực lượng, ông Chính đang mưu tính cho cuộc phản công quy mô chính trị về sau?

Hôm 20 tháng Năm, 2025, truyền thông nhà nước Việt Nam đồng loạt thông tin việc Thủ Tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính bất ngờ liên tiếp ký 11 quyết định (từ Quyết định số 958/QĐ-TTg đến Quyết định số 968/QĐ-TTg) bổ nhiệm nhân sự cấp cao trong Bộ Quốc Phòng. Cụ thể:

advertisement

Quân Khu 1

-Đại tá Dương Văn Quang: Phó Chủ Nhiệm Chính Trị Quân Khu 1, giữ chức Phó Chính ủy Quân Khu 1.

-Đại tá Trần Xuân Mạnh: Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn, giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân Khu 1.

-Đại tá Đàm Minh Tuân: Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng, giữ chức Phó Tư lệnh Quân Khu 1.

Quân Khu 3

-Đại tá Tô Thành Quyết: Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hưng Yên, giữ chức Phó Tư lệnh Quân Khu 3.

Quân Khu 4

-Thiếu tướng Đoàn Xuân Bường: Phó Chính ủy Quân Khu 4, giữ chức Chính ủy Quân Khu 4.

advertisement

-Đại tá Lê Văn Trung: Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa, giữ chức Phó Chính ủy Quân Khu 4.

Quân 5

-Đại tá Lương Đình Chung: Phó Chính ủy Quân Khu 5, giữ chức Chính ủy Quân Khu 5.

-Đại tá Trần Minh Trọng: Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk, giữ chức Phó Chính ủy Quân Khu 5.

Quân Khu 7

-Thiếu tướng Trần Chí Tâm: Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân Khu 7, giữ chức Phó Chính ủy Quân Khu 7.

-Đại tá Trần Ngọc Minh: Phó Tham mưu trưởng Quân Khu 7, giữ chức Phó Tư lệnh Quân Khu 7.

Quân chủng Hải quân

-Chuẩn Đô đốc Lê Bá Quân: Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, giữ chức Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân.

Các quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày ký và thời hạn bổ nhiệm là 5 năm.

Mặc dù truyền thông nhà nước Việt Nam nêu, việc bổ nhiệm nhân sự này là nhằm kiện toàn bộ máy, tăng cường năng lực lãnh đạo ở các Quân Khu và Quân Chủng, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới. Nhưng nếu nhìn sâu hơn, bất cứ ai quan tâm đến tình hình chính sự Việt Nam cũng dễ dàng nhận thấy, việc bổ nhiệm này là hết sức bất thường. Liệu đây chỉ đơn thuần là kiện toàn bộ máy, hay có ẩn khuất mưu toan gì nơi Thủ Tướng Phạm Minh Chính trước Đại hội Đảng XIV?

Trước hết cần phải tìm hiểu, trong bộ máy quân đội và công an ở Việt Nam, các quyết định liên quan đến việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật, luân chuyển nhân sự cấp cao thường diễn ra dàn trải theo các kỳ họp, hội nghị hoặc trước mỗi kỳ Đại hội Đảng. Việc ông Chính đồng loạt ký 11 quyết định bổ nhiệm nhân sự cấp lãnh đạo ở các Quân Khu và Quân Chủng thuộc Bộ Quốc Phòng là một hành động hiếm thấy, không thể không khiến dư luận nghi ngờ.

Tại sao phải gấp gáp như vậy? Tại sao lại là quân đội mà không phải bộ ngành nào đó thuộc lĩnh vực hành chính-kinh tế-tài chính vốn dĩ thuộc thẩm quyền của Chính Phủ và Thủ Tướng Phạm Minh Chính hiện đang là người đứng đầu?

Đặt trong bối cảnh nhà cầm quyền CSVN gấp rút hoàn tất những công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng XIV, nội bộ rối ren với những màn đấu đá quyền lực, tranh giành ảnh hưởng chính trị. Phải chăng, động thái của ông Chính là muốn kiểm soát lực lượng quân đội ? Bởi lẽ, quân đội luôn là lực lượng quan trọng trong bất kỳ cuộc chuyển giao quyền lực.

Dù Thủ Tướng là người có quyền ký các quyết định bổ nhiệm, nhưng với ngành quốc phòng, về nguyên tắc, nhân sự quân đội nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của quân ủy Trung Ương, đứng đầu là tổng bí thư, hiện nay là ông Tô Lâm. Do đó, việc đề xuất nhân sự, sắp xếp vị trí lãnh đạo trong quân đội phải thông qua thẩm quyền của Tổng Bí Thư Tô Lâm, hoặc ít nhất là ý kiến đồng thuận đến từ Bộ Chính Trị. Thủ tướng có vai trò chủ yếu trong điều hành bộ máy hành chính, thường không có thẩm quyền trực tiếp bổ nhiệm nhân sự cấp cao quân đội. Do đó, động thái nêu trên của ông Chính có thể là:

-Ông Chính đã qua mặt Bộ Chính Trị hoặc Ban Bí Thư Trung Ương, thể hiện ông có vai trò quan trọng ở lực lượng quân đội, không hề dưới cơ Tô Lâm.

-Hoặc có thể giữa hai ông Tô Lâm và Phạm Minh Chính đã thỏa thuận chia lại quyền lực tại Bộ Quốc Phòng. Việc chia lại có thể là, ông Chính có tiếng nói trong quân đội nhưng quyền kiểm soát vẫn trong tay Tô Lâm, linh hoạt quy trình nhưng sẽ tạo ra rủi ro pháp lý và tiềm ẩn đầy nguy hiểm về sau.

Suy rộng ra, ông Tô Lâm đang nắm quyền lực ở Bộ Công An và Chính Trị nội bộ, còn ông Phạm Minh Chính đang đẩy mạnh tầm ảnh hưởng ở Bộ Quốc Phòng và hành pháp. Nội bộ CSVN đang phân chia quyền lực thành hai nhánh rất rõ rệt trước Đại Hội Đảng XIV, riêng nhánh Quốc Hội–lập pháp và chủ tịch nước mất hẳn vai trò.

Sau khi thất bại trong cuộc đua giành chiếc ghế tổng bí thư trước ông Tô Lâm, ông Chính buộc phải quy phục ông Lâm. Đơn cử vào hôm ngày 4 tháng Năm vừa qua, ông Tô Lâm ký vào Nghị Quyết 68 phát triển kinh tế tư nhân. Một động thái Tô Tổng tiếm quyền Thủ Tướng Chính để kiểm soát lĩnh vực kinh tế.

Nhiều ý kiến chia sẻ của dư luận cho rằng, đây là hoạt động bình thường giữa ông Tô Lâm và ông Chính, cả hai đang phối hợp nhau trong công cuộc quản lý và phát triển đất nước. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở những chia sẻ vậy thì quá đơn giản, quyền lực chính trị chỉ có thể tạm thời thỏa hiệp chứ về lâu dài thì phải tranh giành và chiếm giữ. Sự phân chia quyền lực chính trị Việt Nam từ trước đến nay, Chính Phủ là cơ quan điều hành gần như toàn bộ phương diện đối nội của đất nước nên luôn là thế lực mạnh đủ đối đầu với phe Đảng, Thủ Tướng chưa bao giờ hết cơ hội và cũng không dễ dàng khuất phục hoàn toàn trước Tổng Bí Thư.

Rất có thể đồn đoán của dư luận là đúng, Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Phan Văn Giang hoặc nghỉ hưu, hoặc sẽ thay ông Lương Cường đảm nhận chức chủ tịch nước (khoảng thời gian ngắn) sau Đại Hội Đảng XIV. Đây là thời điểm chuyển giao, quân đội chưa ổn định nội bộ, nhân lúc này ông Phạm Minh Chính thấy được khoảng trống quyền lực nên nhanh chóng chân chen vào, tận dụng triệt để khe hở để giành quyền ảnh hưởng, và đây cũng là đòn đáp trả lại việc bị ông Tô Lâm tiếm quyền kiểm soát kinh tế. Để thấy, quy phục ông Lâm chỉ là bước lùi chiến lược tạm thời, ông Chính tìm đến Bộ Quốc Phòng là tìm cơ hội rửa mối nhục thất bại.

Một cuộc tái thiết lực lượng, ông Chính lộ rõ ý đồ tái đối đầu với ông Lâm trong thời gian sắp tới. Lúc này, lực lượng hai phe sẽ là: Chính Phủ-Hành Pháp–Quân đội và Đảng-Chính Trị Nội Bộ-Công An.

Về phía ông Tô Lâm, hoàn cảnh hiện tại nếu phải đối đầu với thế lực nào đó, đặc biệt thế lực quân đội là điều vô cùng bất lợi. Mặc khác, những gì đang diễn ra ở chính sự Việt Nam cho thấy, ông Tô Lâm chưa hoàn toàn kiểm soát được Bộ Chính Trị, vẫn còn chỗ để ông Phạm Minh Chính hoặc đối thủ bám víu, khai thác. Thời gian không còn nhiều nên ông Tô Lâm vừa tranh thủ thiết lập lại trật tự quyền lực mới vừa phải tập trung lực lượng để xây dựng đế chế cá nhân.

Trong thế biết người biết ta, ông Tô Lâm thừa hiểu ông Chính không thật lòng quy phục nhưng vẫn phải chấp nhận thoả thuận. Bởi lẽ, ở đỉnh cao quyền lực thì không có đồng chí, chỉ có những kẻ đợi mình trượt chân. Cho nên, ở tư thế đang là người chiến thắng và cũng là người đứng đầu quân ủy Trung Ương, ông Lâm chèn một số thân tín buộc ông Chính phải chấp nhận trong số 11 quyết định bổ nhiệm. Đây là cách ông Lâm bảo đảm hậu phương, giảm đòn phản công về sau đến từ ông Chính và phe cánh Chính Phủ.

Khoảng thời gian này, cả ông Tô Lâm lẫn ông Chính đều muốn giữ sự ổn định trước mắt cho Đại Hội Đảng XIV. Đồng thời cả hai cũng âm thầm chuẩn bị cho đối đầu về sau giữa hai trung tâm quyền lực Đảng và Chính Phủ. Những quyết định hành chính hoặc chính trị tưởng chỉ thuần túy nhưng lại ẩn chứa đầy những mưu toan, bất kỳ sự biến động nào cũng là điểm khởi đầu cho một cơn địa chấn chính trị mới.

The post Thủ Tướng Phạm Minh Chính chờ cơ hội rửa hận? appeared first on Saigon Nhỏ.

 

Show More
Back to top button