Vietnam

Việt Nam chặn app nhắn tin Telegram với lý do chống phản động

Ngày 23 tháng 5, truyền thông nhà nước đăng tải thông tin Cục Viễn thông thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông chặn ứng dụng Telegram ở Việt Nam.

Trong công văn gửi các công ty viễn thông được đề ngày 21 tháng 5, Cục Viên thông cho biết lệnh chặn ứng dụng nhắn tin Telegram được xuất phát từ một văn bản được đánh số 2898/A05-P5 do Cục An ninh mạng của Bộ Công an gửi đến cơ quan này.

Trong văn bản đó, Bộ Công an kết luận rằng trong tổng số 9600 kênh, nhóm Telegram tồn tại ở Việt Nam, thì có 68% được liệt vào hạng “xấu, độc”. Trong đó, nhiều hội, nhóm “có hàng chục nghìn người tham gia” đã “tán phát tài liệu chống phá” nhà nước.

advertisement

Những nhóm trên, theo Bộ Công an, được lập bởi những “đối tượng chống đối, phản động”.

Văn bản của Cục Viễn thông cũng đưa ra hai cắn cứ pháp lý để biện minh cho lệnh cấm đối với Telegram.

Căn cứ thứ nhất là Điều 9 Luật Viễn thông với nội dung cấm “lợi dụng hoạt động viễn thông nhằm chống nhà nước”, và yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông ở Việt Nam phải đăng ký hoạt động. Theo Cục Viễn thông thì Telegram đã “không chấp hành quy định”.

Căn cứ thứ hai là Nghị định 147 vốn yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet xuyên biên giới, phải hợp tác với chính phủ Việt Nam trong việc gỡ bỏ thông tin bị cho là vi phạm. Và trong trường hợp không chấp hành sẽ bị “áp dụng các biện pháp kỹ thuật” để ngăn chặn.

Cục Viễn thông không cho biết liệu cơ quan này đã liên hệ với Telegram để yêu cầu gỡ bỏ những kênh, nhóm bị cáo buộc phán tán thông tin chống phá nhà nước hay chưa, và phản hồi của Telegram ra sao.

RFA đã liên lạc với bộ phận báo chí của Telegram để đề nghị phản ứng từ công ty này trước lệnh cấm từ Việt Nam những chưa nhận được phản hồi.

Theo yêu cầu của Bộ Khoa học và Công nghệ, các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông phải hoàn thành và báo cáo việc chấp hành lệnh cấm đối với ứng dụng Telegram vào ngày 2 tháng 6 năm 2025.

Nếu không có gì thay đổi Telegram sẽ trở thành ứng dụng nhắn tin mã hóa đầu tiên bị cấm ở Việt Nam.

advertisement

Trước đó chính quyền thường xuyên áp dụng việc ngăn chặn các trang web thuộc về những tờ báo độc lập, hoặc của nước ngoài, vốn nằm ngoài tầm với của bộ máy kiểm duyệt. Trong đó có RFA Tiếng Việt.

Chính quyền Việt Nam cũng đã từng đe dọa chặn Facebook, mạng xã hội dược sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam, trừ khi công ty này đồng ý tăng cường kiểm duyệt các nội dung chính trị, đứng trước nguy cơ bị loại khỏi thị trường Việt Nam, Facebook sau đó đã chấp hành yêu cầu của nhà nước.

 

Tin từ RFA Read More

Show More
Back to top button