
Chuyến đến thăm Việt Nam của Tập Cận Bình không thoát khỏi tầm mắt của Tổng Thống Donald Trump. Nhận xét từ Tòa Bạch Ốc, ông Trump ám chỉ rằng chuyến công du Đông Nam Á của ông Tập trong tuần này có thể là mang mục đích là ‘làm tổn hại’ đến Hoa Kỳ.
Chủ Tịch Trung Quốc đến thăm Hà Nội vào Thứ Hai, tại đây ông gặp Tổng Bí Thư Đảng CSVN Tô Lâm, công khai kêu gọi tăng cường quan hệ thương mại và ký hàng chục thỏa thuận hợp tác, bao gồm cả thỏa thuận tăng cường chuỗi cung ứng, trước khi đến Malaysia. Chuyến đi này của ông Tập kéo dài năm ngày tới một số quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thuế quan của Trump.
Nói ngay về câu chuyện thuế quan nóng bỏng cả thế giới lúc này, ông Tập nhấn mạnh với ông Lâm rằng “không có người chiến thắng” trong một cuộc chiến thương mại.
Tổng Thống Trump nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc: “Tôi chẳng trách Trung Quốc; cũng chẳng trách Việt Nam. Đó là một cuộc gặp gỡ đáng yêu. Cuộc gặp gỡ như thể, như thể họ cố gắng tìm ra cách: ‘Làm thế nào để chúng ta có thể lừa gạt Hoa Kỳ?’”
Cả Hà Nội lẫn Bắc Kinh đều không có phản hồi gì về bình luận củaông Trump.
Việt Nam, một trung tâm công nghiệp và lắp ráp lớn, là một trong những quốc gia ở Đông Nam Á đang phải chịu một số mức thuế trừng phạt nặng nề nhất trong số các mức thuế được gọi là “Ngày giải phóng” của Trump, với mức thuế suất là 46%. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, nơi đây là nguồn cung cấp quan trọng mọi thứ từ giày dép, quần áo đến đồ điện tử.
Trong ba tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sang Washington đạt $31.4 tỷ, trong khi Hà Nội lại nhập khẩu hàng hóa trị giá đến gần $30 tỷ từ Bắc Kinh.
Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Việt Nam, Campuchia và Malaysia tuần này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh phải đối mặt với mức thuế quan 145%, mà các quốc gia khác cũng đang ráo riết tìm cách đàm phán lại để giảm mức thuế quan, trong thời hạn tạm hoãn thuế 90 ngày.
Chuyến đi của ông Tập tới Hà Nội rõ là để củng cố lại quan hệ với quốc gia láng giềng, vốn đã nhận được hàng tỷ đôla đầu tư từ Trung Quốc trong những năm gần đây, nhất là khi các nhà sản xuất có trụ sở tại Trung Quốc chuyển vào Việt Nam để tránh thuế quan do chính quyền ông Trump áp đặt ở nhiệm kỳ thứ nhất.
Tại Malaysia vào thứ Ba, nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết ông mong muốn “làm sâu sắc hơn nữa tình hữu nghị truyền thống” giữa hai nước.
“Trung Quốc sẽ hợp tác với Malaysia… để chống lại các luồng xung đột ngầm về địa chính trị và xung đột phe phái, cũng như các luồng phản kháng của chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ,” ông Tập viết trong một bài báo đăng trên tờ The Star của Malaysia.
Ông Tập đã có kế hoạch đến thăm khu vực này trước khi ông Trump công bố mức thuế quan mới, nhưng chuyến thăm diễn ra đúng thời điểm, và nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn chứng minh rằng mối quan hệ kinh tế của Trung Quốc với các nước chung quanh là luôn luôn ổn định.
Trong một bài viết trên báo Nhân Dân, tờ báo của Đảng CSVN, ông Tập Cận Bình được trích dẫn rằng “không có bên nào chiến thắng trong các cuộc chiến thương mại và chiến tranh thuế quan” và rằng chủ nghĩa bảo hộ “sẽ chẳng dẫn đến đâu cả.”
Trong cuộc gặp với Thủ Tướng Phạm Minh Chính, ông Tập Cận Bình đề nghị hai nước nên cùng lên tiếng phản đối hành vi bắt nạt đơn phương. Trên ảnh, chỉ thấy ông Chính cười, nhưng không có dấu hiệu nào là đồng ý với đề nghị này.

Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á khác thật ra đang cố gắng duy trì sự cân bằng tinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, trong bối cảnh lo ngại khu vực này có thể được sử dụng làm nơi bán phá giá tiềm năng cho các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc đang bị cấm vào Hoa Kỳ.
Nhưng tình trạng căng thẳng leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại về sự tách rời của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hạ Bảo Long, một trong những quan chức hàng đầu của Trung Quốc giám sát Hong Kong đã chỉ trích Hoa Kỳ về cuộc chiến thương mại. Nói trong một bài phát biểu trên truyền hình, Hạ Bảo Long lớn giọng nói rằng cuộc tranh chấp này là “cực kỳ vô liêm sỉ” và nhằm mục đích “tước đi sức sống của Hong Kong.” Hong Kong phải chịu cùng mức thuế quan áp dụng cho Trung Quốc đại lục nhưng không đề xuất bất kỳ mức thuế nào của riêng mình để trả đũa.
Hạ Bảo Long cho biết Trung Quốc không “sợ rắc rối.” “Hãy để những người nông dân ở Hoa Kỳ than khóc trước nền văn minh 5,000 năm của Trung Quốc,” ông ta nói, có thể ám chỉ đến lời chỉ trích gần đây của Phó Tổng Thống JD Vance.
Căng thẳng Trung-Mỹ dường như đã chuyển một số cuộc chiến thương mại sang các mặt trận khác. Ông Tập Cận Bình ráo riết tìm kiếm sự hợp tác hơn nữa với EU mà không có Hoa Kỳ. Còn ở khu vực Mỹ Latinh, Hoa Kỳ cũng đang thúc đẩy các chính phủ cắt giảm quan hệ tài chính với Trung Quốc.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent cho biết ông đã gặp Tổng Thống Argentina Javier Milei vào đầu tuần, và khuyến cáo chính quyền Trump muốn tập trung vào việc giúp các nước Mỹ Latinh ngăn chặn những thỏa thuận mà ông gọi là “tham lam” được thực hiện với Trung Quốc nhằm từ bỏ quyền khai thác mỏ để đổi lấy viện trợ.
Ngay sau đó, Đại Sứ Quán Bắc Kinh tại Argentina cáo buộc Bessent “vu khống và bôi nhọ” Trung Quốc và yêu cầu Hoa Kỳ kiềm chế “cản trở và cố tình phá hoại” các nước đang phát triển.
Gần đây, Tòa Bạch Ốc giảm bớt áp lực bằng cách liệt kê các miễn thuế đối với điện thoại thông minh, máy tính xách tay, chất bán dẫn và các sản phẩm điện tử khác mà Trung Quốc là nguồn cung cấp chính. Nhưng Tổng Thống Trump và một số trợ lý cấp cao của ông cho biết vào Chủ Nhật rằng, các lệnh miễn trừ đã bị hiểu sai và sẽ chỉ là tạm thời. “Không ai ‘thoát khỏi’ được… đặc biệt là Trung Quốc, quốc gia vẫn đối xử tệ nhất với chúng ta!” Trump đăng trên nền tảng Truth Social của mình.
The post Việt Nam và Trung Quốc bắt tay nhau để ‘làm khó’ Hoa Kỳ appeared first on Saigon Nhỏ.