Đời SốngVietnam

Xây Hà Nội giả ngay tại Hà Nội thật

Để kỷ niệm 70 năm giành được thủ đô từ tay người Pháp, nhà chức trách Hà Nội sẽ tổ chức nhiều sự kiện ăn mừng rất nguy nga, tráng lệ, như biểu diễn ca nhạc, triển lãm, trưng bày nghệ thuật… Cùng với đó thì không thể thiếu băng rôn, biểu ngữ, cờ đảng, cờ sao treo rực trời. Nhưng điều bị dư luận cười chê nhiều nhất chính là việc xây dựng mô hình giả của các công trình do Pháp xây ở Hà Nội.

Những công trình mà CSVN cho rằng là biểu tượng của Hà Nội như cầu Long Biên, Nhà hát lớn Hà Nội, Chợ Đồng Xuân… đều do người Pháp xây dựng hàng trăm năm trước. Và giá trị của nó vẫn còn tồn tại tới ngày nay, vẫn được sử dụng sau nhiều biến cố chính trị, chiến tranh. Thật mỉa mai khi đánh đuổi Pháp xong rồi lại công nhận những thứ Pháp xây dựng là biểu tượng của Hà Nội.

Trong khi đó, sau 70 năm chiếm được Hà Nội từ tay người Pháp, CSVN xây được gì là biểu tượng cho thủ đô? Sân vận động Mỹ Đình xây năm 2003 với số tiền 1,300 tỷ đồng ($53 triệu), được coi là biểu tượng tự hào quốc gia. Năm 2021 sân vận động quốc gia này bị người Úc so sánh với “bãi cỏ chăn bò.” Sau đó phải chi thêm 400 tỷ để sửa chữa, nhưng tới đầu năm 2023 thì vẫn bị chê là “một bãi cỏ bò gặm dở” như sân đất nện, như “đá bóng ngoài ruộng.”

advertisement

Mô hình cấu Thăng Long. (Hình: Hà Nội News)

Hoặc như đường sắt Cát Linh – Hà Đông, cũng được coi là công trình trọng điểm, là biểu tượng mới của Hà Nội. Nhưng bị đội vốn từ 8,770 tỷ đồng lên 22,521 tỷ đồng. 13 cây số mà xây 10 năm mới xong. Từ một cái bánh vẽ “biểu tượng quốc gia,” đường sát Cát Linh – Hà Đông trở thành một khối nợ khổng lồ của Trung Quốc; mà vận hành còn thua những đoàn tàu điện trên cao (BTS) của Thái Lan từ thập niên 90 của thế kỷ trước.

Quay lại việc xây mô hình Hà Nội giả ngay giữa lòng Hà Nội thật, nhà văn Nguyễn Thành Phong bình luận trên facebook cá nhân: “Việc khó thế mà cũng làm được… Ai muốn ngắm cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, phố Hàng Ngang, Hàng Đào thật, thì bước ngay ra đấy mà ngắm, vừa tiện lợi, vừa sống động, chả tốn kém gì lắm. Chứ cứ kiểu đốt tiền nước vào việc vô bổ như thế này thì bao giờ mới vươn mình được đây?”

Chuyện quái gở nào cũng có thể xảy ra dưới chế độ cộng sản. Miễn là quan chức có thể “rửa được tiền” tham nhũng qua các công trình trưng bày ngắn hạn này. Theo báo chí cộng sản, chỉ tính riêng tiền hoa, cây cảnh trang trí là sẽ tốn khoảng 9.1 tỷ đồng. Đó là chưa tính số tiền dựng hàng chục mô hình giả tạo cầu Long Biên, nhà hát lớn, chợ Đồng Xuân,…

Ngoài ra còn là tiền mua cờ, in băng rôn, tiền ca nhạc, biểu diễn nghệ thuật… Nếu tính toàn bộ thì sẽ ra con số khủng lồ. Nhưng những thứ này chỉ được dùng trong vài ngày. Sau lễ thì sẽ đem ra bãi rác chứ không thể sử dụng tiếp, cờ hoa thì sẽ thành rác, ca hát, biểu diễn thì một đêm là hết.

Mô hình giả Nhà hát Lớn. (Hình: Sức Khoẻ & Đời Sống)

Sẽ là không có gì đáng nói nếu sự kiện này diễn ra khi đất nước đang phát triển giàu đẹp. Nhưng miền bắc Việt Nam vừa trải qua thảm hoạ bão Yagi, thiệt hại trên 81,000 tỷ đồng ($3.3 tỷ), 334 người chết và mất tích, 282 ngàn căn nhà và 3,755 trường học bị hư, sập…

Người dân quyên góp từng đồng bạc lẻ để gửi ra cứu trợ đồng bào. Mỹ, Nhật, Úc, các nước phát triển gửi tiền viện trợ khẩn cấp để giúp khắc phục hậu quả, vượt qua nỗi đau mất mát, vậy mà quan chức Hà Nội thì bàn nhau “phông bạt,” ăn mừng, lễ hội biểu diễn, bày vẽ cờ hoa ngập trời để bòn rút ngân sách quốc gia.

advertisement

Số tiền hàng chục tỷ cho mấy ngày Hà Nội tưng bừng cờ hoa này nếu đem lên vùng cao thì xây được hàng trăm, ổn định cuộc sống của hàng ngàn người dân vừa qua cơn thập tử nhất sinh. Nhưng không, đem tiền cho dân hết thì quan lấy gì mà ăn chơi, tự hào… Sau lễ kỷ niệm 70 năm chiếm được Hà Nội này, sẽ có nhiều quan chức thủ đô mua thêm cái nhà, sắm được con xe. Tuyên giáo thì ca bài “tự hào hát mãi lên Việt Nam ơi,” còn dân đen cứ nằm trong lều tranh đón bão, chờ cơn lũ tiếp theo…

The post Xây Hà Nội giả ngay tại Hà Nội thật appeared first on Saigon Nhỏ.

 

Show More
Back to top button