Đời SốngVietnam

Sọc mực, sọc sò

Trước năm 1975 cũng đã có sự phân hóa trong các tầng lớp dân cư miền Bắc. Tem phiếu tiêu chuẩn cao hơn đã đành. Trước năm 1975, cán bộ cấp đặc biệt hưởng từ 7,5kg thịt, 3,5kg đường/tháng trở lên; bộ trưởng hoặc tương đương có phiếu A, trước năm 1975 hưởng 6kg thịt, 3kg đường, sau năm 1975 hưởng 4,2kg thịt, 2kg đường/tháng. Cán bộ cấp nhỏ tiêu chuẩn phiếu D trước năm 1975 hưởng 1kg thịt, 0,5kg đường/ tháng; sau năm 1975 hưởng 0,8kg thịt, 0,7kg đường/tháng. Công nhân lao động nặng trước năm 1975 tiêu chuẩn phiếu I, hưởng 1,5kg thịt, 0,75kg đường/tháng, còn nhân dân trước năm 1975 và cả sau này là phiếu N với 0,3kg thịt và 0,1kg đường/tháng. 

Nhưng môi trường ngành nghề còn quan trọng hơn nữa.

Có điện

Ba tôi làm việc trong một xí nghiệp đánh cá lớn, có rất nhiều anh em bạn bè là thuyền trưởng, thuyền phó, thủy thủ… tàu viễn dương. Hội đồng hương gắn bó những người xa quê nên các cô, chú, bác… chơi với nhau cực kỳ gắn bó. Tôi nhớ trước 1975, chúng tôi vẫn sống trong nhà tập thể bé tí như tất cả mọi người nhưng ăn uống sinh hoạt không hề kham khổ như sau này. Các chú đi tàu mang về cho táo tây, lê, xà phòng thơm … Lương của ba má tôi đủ để cuối tuần thì cả nhà đi ăn tiệm, ba tôi uống ly bia hơi ở cửa hàng ăn uống quốc doanh. Một đợt má tôi bệnh, suốt một tuần bữa tối ba tôi đều mua một con gà tần thuốc bắc cho má tôi ăn. Gần như hàng tuần hội đồng hương đều họp mặt ở nhà tôi, ăn uống chuyện trò. Có bia, đủ để say. Đời sống như vậy cũng không quá tệ, phải không?

advertisement

Nên những gì xảy ra trong đời sống sau năm 1975 là một cú sốc đối với tất cả chúng tôi. Hồi ấy còn rất nhỏ nhưng tôi còn nhớ một bữa cơm tối dưới ánh đèn dầu tù mù, thức ăn mặn của cả nhà sáu người chỉ là một đĩa cá vụn nát kho lên. Ăn đến gần cuối bữa, thức ăn không còn đủ. Ba má, anh chị đều buông đũa, chỉ còn tôi bé nhất vẫn đang ăn. Tôi hồn nhiên cầm đĩa cá kê gần vào chiếc đèn dầu, cố tìm. Một lúc quay lại, tôi thấy má đang khóc.

Thời gian sau thì như tôi đã kể, hải sản bán ở chợ rất nhiều và rẻ nên trừ thịt, chúng tôi ăn uống thả cửa.

Mỗi tuần chỉ được một đêm có điện, mà chỉ từ 6h tối đến 9h tối thôi. 6h là đã tối chập choạng rồi, nhà nhà đều phải thắp đèn dầu. Đến khi cả xóm cùng bùng lên một tiếng reo thật hớn hở và thật dài “Có điện” thì đội ơn Đảng, đội ơn Bác, mỗi mặt người đều như vừa nhận được tin báo trúng Vietlott 300 tỷ. Lập tức tiếng radio, tiếng cassete rộn rã, tiếng người gọi con, trò chuyện cũng réo rắt hơn gấp bội.

Rồi thì một tuần có được ba ngày điện, dần dần lên bốn ngày, năm ngày, rồi cả tuần, nhưng vẫn chỉ từ 6h đến 9h tối thôi. Con nít tụi tôi đều thành thạo việc lau bóng đèn dầu, châm thêm dầu lửa vô bình đựng, cho thêm ít muối để đỡ hao dầu (người ta nói vậy). Luôn có cái kéo nhỏ và chiếc khăn dày để khi đèn cháy lâu, bóng bị ám khói đen hay bấc cháy dài ra một khúc khiến ngọn lửa nhỏ đi bớt sáng thì vặn tắt hẳn, chờ một lúc cho bóng đèn nguội bớt thì cầm chiếc khăn bọc vô phần dưới bóng đèn xoáy nó ra, cắt bấc, lau bóng, châm đèn, xoáy bóng vô trở lại.

Trọn vẹn thời đi học của tôi là dưới ánh đèn dầu. Cả nhà có ba bốn chiếc đèn to, còn lại là đèn nhỏ thì chúng tôi được ưu tiên thắp hết chiếc đèn to để nhìn rõ chữ. Nhà tôi nằm giữa vườn, bốn bên đều có cửa sổ, ban đêm gió lồng lộng nhưng lại phải đóng bớt cửa vì gió thổi mạnh sẽ làm ánh đèn lung lay hoặc tắt. Ngồi học sát bên mấy ngọn đèn dầu to, mồ hôi vã ra đầm đìa, lại còn hôi mùi dầu lửa nhưng chỉ có thể quạt tay nhè nhẹ. Mùa hè, ban đêm bọ xít và bọ dừa bị ánh lửa thu hút bay vào vè vè rồi xông thẳng vào chết xếp lớp trong ống đèn. Lại phải thêm công đoạn tắt đèn, đổ xác bọn chúng ra rồi thắp trở lại.    

Bếp nấu bằng trấu. Người ta nghĩ ra cái bếp nấu trấu khá hay: nó hình nón, vành ngoài đựng trấu, dưới có khe hở để trấu chảy từ từ và cháy lên ở giữa. Phải ngồi canh bếp liên tục để khều trấu cho chảy đều xuống bếp.

Rồi đến bếp mùn cưa. Ở giữa là lỗ trống hình ống, xung quanh nhồi chặt mùn cưa. Nhồi mùn cưa là một nghệ thuật: nhồi lỏng tay thì mùn cưa cháy rất nhanh, to lửa nhưng chóng tàn. Nhồi chặt quá thì lâu bén.

Do nấu trấu và mùn cưa đều rất hao nên mỗi nhà đều phải trữ sẵn nhiều bao dựng ở kho, ngoài vách bếp.

advertisement

Khi “giàu” hơn thì chuyển sang nấu củi. Củi cũng được phân phối cho cán bộ. Mỗi nhà lại phải sắm con dao chẻ củi, chiếc búa, nhà nào có con trai thì sắm hẳn cái rìu cho nhanh. Cuối tuần, đàn ông con trai trong nhà xoay trần ra chẻ củi hùng hục. Củi khô và thẳng còn dễ chẻ, dao chẻ vào là nứt ra luôn. Củi tươi và có nhiều xoắn vặn thì chẻ khó vô cùng. Phải lựa thớ, chẻ mồi rồi chêm cái nêm bằng sắt vào để nó giữ vết nứt không bị khép lại, rồi dùng búa đánh xuống chêm.

Cụ Tổng Trọng bảo lò nóng lên rồi thì củi tươi cũng cháy. Thưa cụ là không phải thế. Câu này Thái Công tiên sư mà nghe được sẽ phán ngay là cần có kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm! Củi tươi dù nhét vào lò nóng cũng không thể cháy ngay được mà sẽ nổ tanh tách, phun phì phì bọt ra ngoài, bốc khói mù mịt. Mãi cho đến khi hơi nước và nhựa trong thân củi đã bốc hơi hoặc phì ra hết thì nó mới có thể bén lửa và bốc cháy.

“Giàu” hơn nữa thì nấu than. Nấu than sướng hơn nấu củi rất nhiều vì thoát công đoạn nặng nhọc nhất là chẻ và phơi củi, thu củi, mang củi vào bếp. Không có khói nhọ nhem cả đít nồi lẫn mặt người, không bị gió to dọa tắt, phải chu mỏ thổi vào cái ống thổi phù phù cho lửa bén lại. Lửa than lại đều, cháy lâu, nấu xong chỉ cần dùng kẹp gắp các hòn than nhốt vô cái hũ đất nung là xong.

Sau thời bếp than là bếp dầu. Bếp dầu còn gọn sạch hơn bếp than vì chỉ cần vặn cái núm là điều chỉnh được ngọn lửa to nhỏ.

Thế nhưng “nhân dân anh hùng” vì tiêu chuẩn rất ít nên phải nấu bếp bằng lá khô hay rơm. Mãi sau này đọc sách báo, tôi mới biết trẻ con Hà Nội thời ấy sau giờ học lại phải ra phố quét lá khô mang về cho mẹ nấu cơm.

Thiếu thốn đủ thứ như vậy nên mọi người đều gầy nhom. Ai béo chứng tỏ được ăn uống rất no, rất ngon, nghĩa là nhà rất giàu. “Bà ấy sướng lắm, béo trắng ra” “Dạo này chị béo trắng ra ấy” là cách khen vô cùng trực tiếp và chứa đầy thán phục, thèm thuồng và ao ước.

Cho nên khi bắt đầu đổi mới, xóa bao cấp, đời sống thay đổi chóng mặt, người ta đã biết đến cái nồi cơm điện thì có một thứ mốt phổ biến ở miền Bắc: Người ta bày cái nồi cơm điện ở ngay phòng khách, có khi đặt ngay trên tủ buffet như một thứ vật dụng trang trí sang trọng.
 
Dân miền Nam thì không khoe như thế, vì đời sống của họ trong nhiều năm trước đó đã có bát chén sứ kiểu, tủ lạnh, ăn sáng cà phê ngoài tiệm, dàn Akai, quạt trần, xe Honda…

Sau mấy chục năm, khi cái ách bao cấp đã được tháo bỏ đánh đổi bằng rất nhiều máu và nước mắt, không ít người lại thích hoài niệm về nó. Những quán cà phê Cộng mô phỏng không gian của một thời bao cấp mọc lên thành chuỗi ở nhiều nơi và khá đắt khách. Tôi vào một lần và… thôi, em xin. Ai thích trải nghiệm bầu không khí tù mù tăm tối của những chiếc đèn dầu lờ mờ, đám sách cũ úa vàng, những khẩu hiệu sáo rỗng của một thời ăn gian làm dối… cứ việc. Còn chúng em không lạ gì với nó thì không khí đó chỉ gợi lên một thời u ám, uất ức đè trĩu tim.

Trẻ em Hà Nội năm 1980. AP

Sọc mực, sọc sò

Mùa Tết, những đôi người yêu, vợ chồng, bạn trai bạn gái trang điểm ăn mặc áo dài chải tóc thật đẹp theo mốt thời bao cấp, xúng xính ngồi lên chiếc cúp 81 kim vàng giọt lệ đặt trước quán Cộng chụp 7749 tấm ảnh khá dễ thương. Họ may mắn lắm. Những người trải qua thời thanh xuân trong thời bao cấp làm gì có áo dài, băng đô, tóc phi-dê (uốn quăn) để mà chụp hình. Phiếu vải mỗi năm chỉ có 4 m/người (người đi làm). Con cái và cha mẹ gọi là diện ăn theo thì phải mua ngoài cửa hàng quốc doanh. Vải rất xấu, chỉ dùng để may mền. Áo quần muốn coi được một tí thì phải mua vải chợ đen, nhưng cũng chỉ quanh đi quẩn lại vài màu, thường là trắng, xanh da trời, nâu đất… “Soái ca” Đạt Long Vinh được các chị em mê mẩn vì chơi một cây sơ mi đen quần tây đen rất bắt camera Tik Tok mà sống vào thời đó thì có khóc, vì sơ mi đen quá cá tính chất chơi, quá chói mắt trong bầu không khí “cần lao thương khó” đang trùm lên toàn xã hội.

Chị gái tôi được chị họ sống ở miền Nam cho chiếc sơ mi bằng chất thun ngoại rất mềm màu vàng kim rải rác những chấm bi đen rất hài hòa, nhưng khi mặc đi học thì bạn bè xầm xì, thậm chí còn bị phê bình trong cuộc họp chi đoàn rằng “ăn chơi quá”!

Ở địa phương gia đình tôi sống, có những năm xuất khẩu được hải sản sang Nhật, họ đổi lại bằng máy móc tàu thuyền, có cả vải vóc và một số thứ khác. Vải này đổi bằng sản phẩm sò điệp hay mực, thường là vải carô hay sọc nên được gọi phân biệt là… sọc mực, sọc sò. Có lần, họ đổi vải Nhật rất đẹp, chất vải rất mềm mịn và rất dai, carô màu xanh biển nhẹ xen lẫn những đường trắng bạc. Đó là “sọc sò” đẹp nhất chúng tôi từng có. Mấy anh chị lớn của nhà tôi được may cho mỗi người một cái, vung vinh lắm. Nhưng ra đường thì thấy cả đống người cũng “sọc sò” “sọc mực” giống mình, vì vải ấy bán theo tiêu chuẩn cho người trong ngành.

Do thiếu vải vóc nên quần áo may sẵn rất hiếm, giá đắt và hầu như chỉ bán ngoài chợ đen. Hầu hết đều phải tự may hoặc mang đi may đo. Tôi còn nhớ mỗi năm một lần, đến gần Tết thì cả nhà tôi đi may quần áo tại một anh thợ quen, mỗi người được một bộ hoặc hai cái áo, một cái quần. Anh thợ may rất kỹ, đường kim mũi chỉ tinh tế không chê vào đâu được. Giá lại rẻ nên mới có nghịch lý là người nghèo thì mặc đồ may đo, người khá hơn mặc đồ may sẵn.

Nội y thì càng khó hơn. Áo ngực hay quần lót của phụ nữ đều bằng vải. Người ta cắt vải thành nhiều lớp hình nón (nhọn hoắt) rồi may dằn lại với nhau, chằn chỉ thật dày. Quần lót thì lụng thụng, không thể ôm sát người, dễ ngả màu và rách ở đáy. Rách thì… phải vá! Quần lót cũng vá!

Còn chiếc quần tây rách hai mông, vá lại và dằn nhiều đường chỉ ngang, dọc, xéo cho thật dày chắc thì gọi là… tivi. Quần có hai cái tivi!

Sau này xóa bao cấp, một thời gian giá may đo vẫn còn rất rẻ. Dần dần áo quần may sẵn và nhất là hàng Si da tràn ngập thị trường kéo giá xuống, còn giá may đo lại vọt lên cao, nghịch lý một thời đổi ngược lại hợp quy luật.

Do thiếu thốn nên chúng tôi đi học ăn mặc rất tùy tiện. Những gia đình sống trong miền Nam từ lâu vẫn sẵn đồng phục sơ mi trắng, quần tây xanh cho con trai, váy ngắn xanh cho con gái. Nhưng những người khác thì có gì mặc nấy. Phổ biến nhất là con gái nhỏ mặc đồ bộ, con trai và con gái lớn mặc quần tây, quần đen, áo kiểu, áo sơ mi… tùy điều kiện gia đình.

Tôi may mắn vì từ lớp 2 đến tận lớp 9 vẫn còn được học với tuyệt đại đa số các thầy cô là giáo viên từ thời chế độ Cộng hòa. Đó là những năm ngay sau 1975 nên thầy cô vẫn còn giữ được y phục cũ (chưa kịp rách!). Thầy hiệu trưởng của tôi mặc sơ mi, luôn thắt cà vạt, “đóng thùng” chỉn chu. Các cô giáo mặc áo dài, loại áo dài có cổ cao hoặc cổ Trần Lệ Xuân, nhưng là loại áo dài thuận tiện cho người đứng trên bục giảng: vạt rộng và dài, vải không lộ, không mỏng, vẫn uốn lượn theo cơ thể nhưng không ôm sát lấy toàn bộ cơ thể người phụ nữ, phần tiếp giáp hai tà cũng không khoét sâu đến nỗi lộ tam giác da thịt lấp ló phía trên cạp quần.

Sau này, khi áo dài mới được khôi phục, không ít người mặc bừa phứa mà thiếu thanh lịch: cô giáo lên lớp cũng mặc áo may bằng loại hàng mỏng tang và ôm sát đến nỗi rõ được cả đường hằn của nội y trên người, thậm chí khi giơ tay viết bảng thì vết mồ hôi loang dưới nách áo lộ ra rõ mồn một, hoặc lộ rõ cả chiếc áo ngực bên trong!

Đến khi tôi lên phổ thông trung học thì số thầy cô của chế độ cũ đã ít hẳn đi. Số thầy cô giáo “Bắc 75”, tiếc thay, rất hiếm người có phong thái lịch sự như các thầy cô giáo “cũ”.  Không còn bắt buộc mặc áo dài, các cô cũng có gì mặc nấy. Tôi nhớ cô giáo dạy môn Sinh thường xuyên mặc chiếc quần tây màu nâu, rất lâu không được ủi nên chỗ đầu gối nhăn nhúm đến nỗi quăn lên như lò xo. Một thầy giáo khác rất ưa mặc chiếc quần tây màu xám trắng, nhưng thầy … ở dơ đến nỗi hai mép túi quần cáu bẩn đen sì, còn cả vết ngón tay, chắc cả tháng mới được giặt một lần.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

 

Tin từ RFA Read More

Show More
Back to top button