Đời SốngVietnam

Chủ tịch Vạn Thịnh Phát- bà Trương Mỹ Lan, và 85 đồng phạm bị truy tố

Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao Việt Nam vào ngày 15/12 ban hành cáo trạng truy tố bà Trương Mỹ Lan- Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng 85 đồng phạm trong vụ án xảy ra ở Ngân hàng Thương Mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), ở Tập đoàn này và các đơn vị liên quan. Tội danh truy tố gồm “đưa hối lộ”, “vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng”, và “tham ô tài sản”.

Truyền thông Nhà nước loan tin trong cùng ngày.

Cáo trạng do VKSND Tối cao Việt Nam ban hành xác định rằng từ năm 2012 đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan thâu tóm từ 85% đến 91,5% cổ phần của SCB, rồi nắm quyền chỉ đạo thao túng toàn bộ ngân hàng này.

advertisement

Cáo trạng nêu rằng bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo tiến hành một chuỗi hành vi gồm tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín vào các vị trí chủ chốt của SCB; thành lập một số đơn vị thuộc SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của bà Lan; thành lập, sử dụng hàng ngàn công ty “ma”, thuê nhiều người câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện âm mưu của bà Trương Mỹ Lan.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao Việt Nam, từ ngày 9/2/2018 đến ngày 7/10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống gần 920 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của SCB hơn 304.000 tỷ đồng.

Những đồng phạm của bà Trương Mỹ Lan bị cho thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo chứng; tạo lập số lượng lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ SCB; lập phương án rút tiền, cắt đứt dòng diền sau giải ngân; bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư tín dụng, giảm nợ xấu nhằm  che giấu sai phạm; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước làm trái công vụ…

Theo cơ quan tố tụng, trong vụ án này có năm cựu lãnh đạo SCB hiện đang bỏ trốn. Đó là các ông, bà gồm Đinh Văn Thành, nguyên chủ tịch Hội đồng Quản trị SCB, đã xuất cảnh ra nước ngoài trước khi vụ án bị khởi tố; Chiêm Minh Dũng- nguyên phó Giám đốc SCB, cũng trốn ra nước ngoài và đang bị truy nã; Trầm Thích Tồn- thành viên HĐQT SCB; Nguyễn Thị Thu Sương- nguyên Chủ tịch HĐQT SCB; Nguyễn Lâm Anh Vũ- từng làm việc cho SCB.

VKSND Tối cao Việt Nam kêu gọi năm người vừa nêu ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng.

Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao Việt Nam, trong vụ án vừa nêu ngoài bà Trương Mỹ Lan cùng nhóm thuộc cấp còn có 15 cựu cán bộ Ngân Hàng Nhà nước; ba cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước… Những vị cựu cán bộ cấp cao này bị truy tố về các tội “tham ô tài sản”, “nhận hối lộ”, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, và “vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng”.

Nhóm cựu quan chức này đã bỏ qua nhiều sai phạm tại SCB trong quá trình thanh tra; đặc biệt cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước- bà Đỗ Thị Nhàn, nhận hối lộ số tiền lên đến 5,2 triệu USD (tương đương gần 130 tỷ đồng).

Theo Viện KSND Tối cao Việt Nam, trong quá trình điều tra, truy tố bà Trương Mỹ Lan không thừa nhận hành vi vi phạm; trong khi đó 80 bị can còn lại được nói tỏ ra ăn năn, thành khẩn khai nhận hành vi vi phạm pháp luật khớp với các tài liệu, chứng cứ đã điều tra, thu thập trong vụ án.

advertisement

Cháu gái bà Trương Mỹ Lan là Trương Huệ Vân- Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn Quản lý Bất động sản Windsor, được cho biết đã khắc phục hơn 1.063 tỷ đồng; ông Chu Lập Cơ- chồng bà Trương Mỹ Lan- Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư Quảng trường Thời đại Times Square, khắc phục 1 tỷ đồng…

Bà Đỗ Thị Nhàn- cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước, đã nộp lại 4,8 triệu USD và 10 sổ tiết kiệm ngân hàng với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng…

 

Tin từ RFA Read More

Show More
Back to top button