Đời SốngVietnam

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước tình hình vàng, đô la biến động!

Tại họp báo về kết quả kinh doanh quý 1 diễn ra sáng 19 tháng 4 vừa qua, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp nếu tỷ giá diễn biến bất lợi. Trong khi đó, theo thông tin từ báo Đầu tư-Chứng khoán, trong quý 1 năm 2024, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng tăng khoảng 2,2%, lên quanh mức 24.800.

Tiến sĩ kinh tế Đinh Xuân Quân nêu nhận định với RFA:

“Nếu tỷ giá hối đoái tăng quá 2% thì Ngân hàng Nhà nước có quyền tham gia, mua đô la vào hay bán đô la ra vì họ muốn giữ trị giá của đồng Việt Nam thăng bằng. Đó là cái quan trọng. Mà nếu muốn bán đô la ra thì phải có đô la. Đô la từ đâu ra? Trước hết là khi Việt Nam buôn bán xuất cảng hàng hóa ra ngoại quốc thì Việt Nam nhận được tiền đô la. Thứ hai là do lao động ở ngoại quốc nhận lương bằng đô la. Thứ ba, do Việt Kiều trên khắp thế giới gửi tiền về, mà Việt kiều tại Mỹ là nhiều nhấ.

advertisement

Việt Nam có thương lượng với Bộ trưởng tài chính Hoa Kỳ, và họ đã nói, nếu Việt Nam thay đổi tỷ giá hối đoái để có thể xuất cảng nhiều hơn thì họ sẽ để ý và có thể trừng phạt. Bởi đó nó thuộc vào cái mà Hoa Kỳ gọi là currency manipulation (thao túng tiền tệ). Do đó, Việt Nam phải rất thận trọng trong vấn đề thay đổi tỷ giá hối đoái. Ngân hàng Nhà nước có thể tham gia vào việc bán đô la ra hoặc mua đô la vào để giữa thăng bằng cho đồng tiền Việt Nam. Họ nói ra (công khai chuyện can thiệp ngoại tệ – NV) là tốt hơn vì đây không phải là một cố gắng để xuất cảng thêm. Đó là một chuyện rất quan trọng”.  

Việt Nam bị Hoa Kỳ gắn mác thao túng tiền tệ vào tháng 12 năm 2020. Trên nguyên tắc, sau một năm, Washington có thể sẽ áp dụng các hình phạt thương mại nếu quyết định gắn mác thao túng tiền tệ không được gỡ bỏ. Đến tháng 4 năm 2021, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, Bộ này cũng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục được giám sát trong các vấn đề tiền tệ. Đến tháng 11 năm 2023, Hoa Kỳ lại đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ.

Ngân hàng Nhà nước có thể tham gia vào việc bán đô la ra hoặc mua đô la vào để giữa thăng bằng cho đồng tiền Việt Nam. Họ nói ra (công khai chuyện can thiệp ngoại tệ – NV) là tốt hơn vì đây không phải là một cố gắng để xuất cảng thêm. Đó là một chuyện rất quan trọng. – Tiến sĩ kinh tế Đinh Xuân Quân

Thao túng tiền tệ là thuật ngữ mà Chính phủ Hoa Kỳ thường dùng để chỉ cho một quốc gia vi phạm ba tiêu chí sau: Thặng dư thương mại song phương với Mỹ vượt ngưỡng 15 tỉ USD; Thặng dư cán cân vãng lai vượt ngưỡng 3% GDP; Can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.

Việc Chính phủ Hoa Kỳ gắn mác thao túng tiền tệ cho một quốc gia nào đó sẽ dẫn đến khó khăn cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của quốc gia đó, dẫn đến ảnh hưởng kinh tế của quốc gia đó.

Tiền Đồng Việt Nam

Ngoài việc tuyên bố Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp nếu tỷ giá diễn biến bất lợi, tại buổi họp báo sáng 19 tháng 4, ông Phạm Chí Quang – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ – cho biết, kể từ ngày 19 tháng 4, Ngân hàng Nhà nước công khai bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ nhận định với RFA:

advertisement

“Từ rất lâu Việt Nam đã theo đuổi chính sách tiền tệ mà trong đó họ kiểm soát dòng vốn và thực hiện việc neo tỉ giá theo đồng đô la Mỹ. Việc áp đặt mức lãi suất thấp đối với tiền Đồng trong khi lãi suất đồng đô la Mỹ vẫn đang ở mức cao cuối cùng sẽ dẫn đến việc nhu cầu tích trữ đồng đô la Mỹ tăng lên và nó sẽ tạo áp lực phá vỡ tỉ giá cố định. Muốn giữ tỉ giá cố định trong khi vẫn giữ lãi suất ở mức thấp buộc lòng Ngân hàng Nhà nước phải bán ra ngoại tệ. Nhưng việc bán ra ngoại tệ chỉ là giải pháp ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu giải quyết ngoại tệ trước mắt đối với một số doanh nghiệp. Về trung và dài hạn, nếu tiếp tục một chính sách như vậy, dự trữ của Ngân hàng Nhà nước sẽ nhanh chóng cạn kiệt.

Sau đó, khi lượng dự trữ bốc hơi nhanh chóng, Ngân hàng Nhà nước buộc phải để tỉ giá đi lên tức tiền Đồng sẽ mất giá so với đồng đô la Mỹ. Việc để tỉ giá đi lên nó chỉ thoả mãn áp lực ngắn hạn từ thị trường chợ đen khi mà nhu cầu giữ đồng đô la Mỹ tăng lên.”

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ kết luận, muốn giải quyết vấn đề tốt hơn thì Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất tiền Đồng để tăng sức hấp dẫn của việc giữ tiền Đồng. Nhưng một sự tăng lãi suất như vậy trong khi nền kinh tế vẫn đang khó khăn nó sẽ dẫn đến tình trạng khủng hoảng kinh tế nặng hơn.

Giá đô la Mỹ liên tục tăng trong mấy ngày qua. Các ngân hàng thương mại liên tiếp niêm yết giá mua và bán đô la Mỹ tăng cao với đỉnh mới ở mức trần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Rạng sáng ngày 23 tháng 4 năm 2024, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng 12 đồng dù đồng đô la Mỹ đạt đỉnh 34 năm so với đồng yên Nhật.

Muốn giữ tỉ giá cố định trong khi vẫn giữ lãi suất ở mức thấp buộc lòng Ngân hàng Nhà nước phải bán ra ngoại tệ. Nhưng việc bán ra ngoại tệ chỉ là giải pháp ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu giải quyết ngoại tệ trước mắt đối với một số doanh nghiệp. Về trung và dài hạn, nếu tiếp tục một chính sách như vậy, dự trữ của Ngân hàng Nhà nước sẽ nhanh chóng cạn kiệt.- Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ

Chuyên gia ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nêu một số giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước cần làm:

“Khi tỷ giá nó tăng mạnh như thế thì Ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp vào thị trường ngoại hối với một số biện pháp sau: Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước có thể phát hành trái phiếu. Khi người dân mua trái phiếu thì ngân hàng thu một lượng tiền từ lưu thông vào. Và khi một lượng tiền hút vào từ lưu thông thì lượng tiền giảm lên nền kinh tế. Từ đó tỷ giá được kéo xuống.

Cách thứ hai là Ngân hàng Nhà nước có thể bán một số ngoại tệ ra ngoài. Khi bán như thế thì tỷ giá cũng được kéo xuống vì lượng đô la đi vào nền kinh tế dồi dào hơn. Nhưng cách này cũng có một hạn chế vì hiện tại dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã tiếp cận tới mức ba tháng nhập khẩu rồi. Thành ra, nếu mà bán đô la nhiều quá thì sẽ ảnh hưởng tới dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước.

Cách thứ ba là có những biện pháp can thiệp mang tính hành chính, tức là làm sao ngăn chặn được vấn đề buôn lậu đô la chợ đen. Tại vì tỷ giá trên thị trường tự do hiện tại đang cao hơn nhiều so với tỷ giá chính thức.”

Hiện Việt Nam đang phải đối mặt với hai cơn sốt, đó là giá vàng và giá đô la Mỹ. Theo Ngân hàng Nhà nước, nhằm can thiệp kịp thời, xử lý ngay tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm.

Phiên đấu thầu dự kiến diễn ra vào ngày 22 tháng 4 đã bị hủy. Phiên đấu thầu một ngày sau đó đã bán thành công 3.400 lượng vàng với giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng.

Tin từ RFA Read More

Show More
Back to top button