Bình LuậnChính Trị

Nhận định phiên họp Thành Phố về 2 vị trí trống cho ghế Nghị Viên khu 8 & 10

Hôm thứ hai 5 tháng 12 năm 2022 vừa qua, hội đồng nghị viên thành phố San Jose đã triệu tập một phiên họp đặc biệt để nghe ý kiến của công chúng về kiến nghị của bốn nghị viên khu vực 2, 4, 6, 8  muốn bổ nhiệm người vào hai chiếc ghế nghị viên khu vực 8 và 10  sẽ trống bắt đầu vào tháng giêng năm 2023 vì nghị viên khu vực 10 Matt Mahan sẽ nhậm chức thị trưởng và nghị viên khu vực 8 Sylvia Arenas sẽ nhậm chức giám sát viên quận hạt Santa Clara, thay vì có cuộc bầu cử đặc biệt giống như những năm trước đó. Ba nghị viên này đã viện lý do rằng tổ chức cuộc bầu cử đặc biệt tốn kém cho ngân quỹ của thành phố nhưng lại không đạt được số lượng cử tri bỏ phiếu cao. Do đó bổ nhiệm hai nghị viên tạm thời trong hai năm cho đến khi có cuộc tổng tuyển cử năm 2024 để cử tri hai khu vực 8 và 10 bầu chọn ai sẽ đại diện cho họ là có lý nhất.

Trước đó vài ngày, nghị viên Matt Mahan cùng với rất nhiều cư dân ở khu vực 8 và 10 thuộc mọi tầng lớp, chủng tộc khác nhau đã mở một cuộc họp báo trước City Hall thành phố San Jose để phản đối kiến nghị này, vì nghị viên Matt và những cư dân/cử tri cho rằng nó triệt tiêu quyền quan trọng nhất trong nền tảng dân chủ là phiếu bầu công bằng, nhất là các nghị viên khác không ai ở trong khu vực 8 và 10, do đó làm sao họ hiểu biết rõ nhu cầu của cư dân trong hai khu vực nêu trên. 

Tối thứ hai trước khi phiên họp bắt đầu, lần đầu tiên trong nhiều năm qua, hội trường nghị viên choáng ngợp rất nhiều cư dân đến tham dự với các biểu ngữ “ Let the people vote” “Let the people decide” “bảo vệ giá trị dân chủ” “để chúng tôi được bầu” v.v… đặc biệt là có rất nhiều khuôn mặt cư dân Việt Nam tham dự và lên phát biểu ý kiến, chưa kể theo như lời của thị trưởng Sam Licardo, có đến hơn 300 cư dân hiện diện trên zoom.

advertisement

Các ý kiến chống bổ nhiệm, ủng hộ bầu cử đặc biệt xoay quanh các lý do sau: bỏ phiếu là quyền căn bản để cử tri chọn người xứng đáng đại diện cho họ, hội đồng nghị viên đừng hành xử như các nước độc tài, chuyên chế vì 11 lá phiếu của nghị viên không thể nào bằng số lượng cử tri của khu vực đó, cho dù tỷ lệ bỏ phiếu thấp, nhưng chắc chắn nó hơn con số 11 nghị viên. Tất cả các nghị viên đều được do dân bầu lên, vậy thì tại sao giờ lại cấm cử tri bỏ phiếu, tiền thuế của cư dân đóng cho hội đồng thành phố, thì hãy dùng tiền thuế đó cho đúng cách để bảo vệ nền dân chủ mà chính các nghị viên lúc nào cũng kêu gào rằng “mỗi phiếu phải được đếm, được coi trọng,” nay tại sao lại cấm cử tri bỏ phiếu? Nhất là việc bổ nhiệm sẽ đàn áp tiếng nói của người tị nạn và di dân Á Châu rất đông ở khu vực 8 mà đa số đã phải rời đất nước của họ vì họ không được tự do bầu chọn người đại diện xứng đáng cho họ. 

Số tiền 11 triệu dollars để tổ chức hai cuộc bầu cử đặc biệt cho hai khu vực 8 và 10 chỉ chưa đến 1% ngân quỹ của hội đồng thành phố; nhưng không có đồng tiền nào thay thế được sự tự do được bỏ phiếu vì dân chủ là vô giá. Và rằng dân chủ là công bằng, dân chủ không phải là có làm việc hữu hiệu hay không, các nghiệp đoàn lao động cũng dựa trên nền tảng dân chủ là công bằng này để tranh đấu cho quyền lợi của người lao động, nhưng không hiểu sao giờ nghiệp đoàn lao động lại đi ngược lại với khái niệm dân chủ này. San Jose là một thành phố lớn, hãy làm gương là một thành phố dân chủ và công bằng để các thành phố khác noi theo. Một số biện luận rằng nếu nói tốn kém thì cái nào tốn kém hơn nếu cử tri đòi “recall” (truất phế) người của các nghị viên bổ nhiệm.

Nhiều người đưa ra lý do quan trọng hơn hết là bổ nhiệm hai người dĩ nhiên sẽ  thuộc phe cánh các nghị viên đòi bổ nhiệm mà đa số là người của nghiệp đoàn lao động, chẳng khác gì đào sẵn đường cho hai người này có ưu thế để ra ứng cử chức nghị viên vào năm 2024 để giữ vững thế lực của nghiệp đoàn lao động trong chính trường địa phương; do đó bầu cử đặc biệt là phương cách “check and balance” (kiểm soát và cân bằng) hệ thống điều hành công quyền.  Vì sao, Trúc Việt xin trích lời giải thích của nhà hoạt động cộng đồng, chị Dung Trần đã phát biểu trong phần hội luận với chương trình phát thanh Sóng Việt tuần qua:

“Chúng ta thấy rõ ràng hiện tại bây giờ đã trong hội đồng thành phố đa số là người của nghiệp đoàn lao động. Tháng giêng này sẽ có một số nghị viên mới, trong đó chúng ta có nghị viên Biên Đoàn là người của văn phòng thương mại, còn những người khác đa số là người của nghiệp đoàn. Khi cán cân không được đều như vậy, nó rất là khó cho người thị trưởng mới. Ở khu vực 10 đó là là khu vực của Matt Mahan, chắc chắn dân cư muốn có một người nghị viên mới cùng một lập trường giống như Matt Mahan, vì ông đã từng làm việc và lập trường nghiêng về văn phòng thương mại nhiều hơn là nghiệp đoàn, và khu vực 8 hồi xưa là người của văn phòng thương mại, còn nay Sylvia Arenas là người của nghiệp đoàn, thì 2 cái ghế này bây giờ, nếu có một cuộc bầu cử đặc biệt, một cuộc bầu cử công bằng để cho các ứng cử viên ra tranh cử, cơ hội mình thấy là có thể, có thể thôi, người Việt Nam mình cũng có thể lấy lại [ghế này]; tại vì hiện bây giờ trong khu vực 8 có khoảng trên 100,000 dân cư mà người Á Đông không thôi chiếm 61%, và người Việt Nam là 24% . Xác suất này rất là cao, người Mễ chiếm khoảng 22%, và da trắng là 12%. Nếu chúng ta có những người ứng cử viên Á Đông hoặc ứng cử viên Việt Nam, mình có hy vọng có một người nghị viên Á Đông hay Việt Nam.”

Như đã đề cập phần trên, đại đa số những nghị viên ủng hộ bổ nhiệm thuộc phe nghiệp đoàn lao động và các nghị viên này đã ủng hộ ứng cử viên Cindy Chavez ra tranh chức thị trưởng San Jose với ứng cử viên Matt Mahan, nhưng bà đã thua. Do đó, nghiệp đoàn lao động không muốn bị mất thế lực nhằm tiến hành các “movements” của họ mà theo lời chị Dung Trần là:

“Tất cả những người này là những cái người nằm ở trong nghiệp đoàn lao động mà mình đã nói là trong nghiệp đoàn lao động họ có những cái “movement” (phong trào), những “phong trào” phải nói là họ điều khiển từng bước, từng công việc của mình, họ điều khiển ngầm từ từ, họ đưa ra những luật mà mình sẽ không thay đổi được hoặc là sau này họ sẽ bỏ vào trong “ballot” (dự luật) mà mình không biết được. Cho nên là đây là một một bước tiến của họ và có thể đây cũng là một cách thử lửa để coi phản ứng của những người cư dân trong khu vực 10 và khu vực 8 như thế nào. Nếu mình không phản đối hoặc mình không đi ra để có tiếng nói của mình, họ cứ lấn át tiếng nói của mình từ từ; họ sẽ tước đi những quyền tự do của mình.

Đây chỉ là một tranh giành quyền lực là tại sao? Tại vì họ biết ứng cử viên của họ tranh chức thị trưởng, đó là bà Cindy Chavez đã không đắc cử, chắc chắn là họ đã mất đi một số quyền lực nào đó rồi. Nhưng trong hội đồng thành phố họ vẫn là đa số, nhưng nếu 2  ghế này thuộc về văn phòng thương mại, chắc chắn con cờ nó đi ngược lại, văn phòng thương mại sẽ có đa số, nó có lợi cho người thị trưởng mới.  Dĩ nhiên ở đây cả 2 bên đều tranh giành quyền lợi của nhau, nhưng vấn đề ở đây không phải là quyền lợi của văn phòng thương mại hay là nghiệp toàn lao động mà tất cả mọi người phải nhìn lại quyền lợi của 200 ngàn dân cư khu vực 8 và khu vực 10, tổng số hơn hai chục ngàn người, đó là 1/5 cái tổng số dân ở San Jose. Đó là một con số rất lớn. Những người [nghị viên] muốn đề cử, họ lại không nằm trong khu vực 8; [nghị viên khu vực 8] Sylvia, bà sẽ đi [qua chức giám sát viên], nhưng bà vẫn dùng quyền của bà ấy để đề cử một người thay thế cho bà.  Mình thấy nó không có đúng, tại vì khi bà đã đi rồi bà phải bảo đảm khu vực số 8 của bà phải có một người đại diện xứng đáng mà người dân phải là người có quyền đi bầu cho cho người đó, chứ không phải bà đi rồi, bà cứ đẩy cho một người mà mình biết chắc chắn một điều, khi mà họ đề cử một người, lợi điểm của họ là họ nắm đại đa số trong hội đồng thành phố bây giờ, họ sẽ chọn người của nghiệp đoàn lao động, nó sẽ gây ra rất nhiều khó khăn trong tân thị trưởng mới để làm việc. Cái gì cũng vậy nó phải có sự cân bằng quyền hành.”

Còn bên phía ủng hộ bổ nhiệm đưa ra lý do rằng bổ nhiệm thì tiến trình sẽ nhanh hơn để họ có nghị viên của khu vực 8 và 10 trong buổi họp của hội đồng thành phố bàn về phân chia ngân quỹ cho từng khu vực vào tháng 8 năm tới, số tiền 11 triệu dollars nên dùng để giúp người vô gia cư, mướn cảnh sát, làm đẹp công viên, mở thêm giờ cho thư viện v.v.

advertisement

Trong buổi tối hôm đó, số người lên tiếng ủng hộ bổ nhiệm chỉ khoảng 20-30% so với số người chống bổ nhiệm lên đến 75-85%. Chủ tịch đảng Dân chủ ở quận hạt Santa Clara đã kêu gọi các nghị viên đừng nghe tiếng nói của “đám thiểu số to mồm” có mặt trong hội trường ủng hộ bầu cử đặc biệt.  Ông khoe Đảng của ông có tới hơn 500 ngàn thành viên. Tuy nhiên, một số cử tri đã phản biện rằng họ cũng theo đảng dân chủ, nhưng họ không ủng hộ ông, và đây không phải là nhóm thiểu số to mồm, nhưng đây là “làn sóng của tinh thần dân chủ” phải được tôn trọng và bảo vệ.

Sau 5 tiếng nghe cư dân của cả hai phía chống và ủng hộ bổ nhiệm đầy cảm xúc lên tiếng nói, cho dù thị trưởng Sam Licardo đã nhắc nhở rằng tôn trọng ý kiến của nhau, nhưng cả hai bên đều không thể kìm hãm được phản ứng của họ, kế đến là phần phát biểu của các nghị viên trước khi họ bỏ phiếu. Các nghị viên trong khu vực 3, 5, 6, 7,8 đã  không đến buổi họp mà chỉ xuất hiện trên zoom khi đến phần bỏ phiếu, nên nhiều cư dân tỏ ra bực bội và hồ nghi rằng không biết họ có thực sự nghe hết các ý kiến của người tham dự hay không hay là họ đã có quyết định trước buổi họp điều trần rồi, bất chấp ý kiến của dân là gì.

Nghị viên khu vực 8 Sylvia Arenas đã định nghĩa “nhóm đặc quyền đặc lợi” của bà là “cư dân khu vực 8 của bà.” Và bà đã châm biếm “nhóm” đã mướn xe bus cho người dân đến hội trường điều trần có phải là “nhóm” đặc quyền đặc lợi hay không. Bà vòng vo chuyện bà ủng hộ bổ nhiệm vì bà muốn tiết kiệm tiền để  khu vực 8 của bà có trung tâm sinh hoạt cộng đồng, nhưng bà không nói rõ cho sắc dân nào.

Nghị viên khu vực 6 Dave Davis viện cớ 2 triệu dollars có thể mướn thêm một cảnh sát cho khu vực 6 của bà trong số 11 triệu dùng để tổ chức cuộc bầu cử đặc biệt. Nghị viên Matt Mahan đã phản biện lại lý do của bà Davis bằng cách hỏi quản lý viên thành phố về ngân quỹ thành phố. Bà quản lý viên thành phố nói rằng tiền dùng để tổ chức bầu cử đặc biệt sẽ trích ra từ quỹ dự trữ chứ không phải từ quỹ general fund (quỹ chi tiêu phổ thông), và tình hình tài chính của thành phố San Jose khá khả quan, hy vọng sẽ không có một biến cố kinh tế suy thoái trầm trọng xảy ra trong các năm tới. Đây là sự so sánh khập khiễng của bà nghị khu vực 6 vì mướn cảnh sát, giải quyết nạn vô gia cư v.v.. là các dự án dài hạn, còn bầu cử đặc biệt không phải xảy ra mỗi năm.

Nghị viên khu vực 4 David Cohen có trong hội trường đã viện dẫn rằng, trong quá khứ cuộc bầu cử ở khu vực 4 không đem lại ích lợi gì cho cư dân, vì khi nghị viên Kensen Chu từng đắc cử chức nghị viên trong cuộc bầu cử đặc biệt, sau đó đắc cử lần 2. Nhưng khi trong ghế nghị viên, ông đắc cử chức dân biểu tiểu bang, hội đồng đã để cử một người thay thế tạm thời trong 6 tháng khi cuộc bầu cử đặc biệt diễn ra và đến mùa hè năm 2015, ứng cử viên đắc cử Nguyễn Mạnh đã nhậm chức nghị viên cho hai năm. Ông nghị khu vực 4 David Cohen cho rằng trong bảy tháng, cử tri bầu ông Mạnh Nguyễn, nhưng sau đó, ông nghị Mạnh đã bị một ứng cử viên đã thua cuộc trong kỳ bầu cử đặc biệt ra thách thức nghị viên Mạnh một lần nữa và mùa xuân năm sau, trong cuộc bầu cử sơ bộ, nghị viên Mạnh Nguyễn đã thua ứng cử viên này. Nói tóm lại, theo ông nghị Cohen, khu vực 4  đã có đến 4 nghị viên trong 2 năm, vì thế ông kết luận rằng cư dân khu vực 4 không được phục vụ tốt cho lắm trong thời gian này, do đó việc tổ chức một cuộc bầu cử đặc biệt không có nghĩa cư dân sẽ nhận được các phục vụ tốt hơn từ hội đồng thành phố.

Ông Cohen nhắc trong bản kiến nghị bổ nhiệm có ghi rằng ngay khi ai đó được chứng nhận là người chiến thắng năm 2024, họ sẽ ngồi vào ghế nghị viên ngay lập tức, không cần phải chờ đến tháng giêng nhậm chức như thông lệ. Vì thế, nếu ứng cử viên nào thắng trong vòng sơ bộ vào tháng 3 năm 2024, họ sẽ thay thế ngay nghị viên được bổ nhiệm trước khi nhiệm kỳ 2 năm tạm thời chấm dứt. Ông nghị Cohen cũng hứa sẽ nghe cố vấn từ  hai nghị viên Matt Mahan khu vực 10 và và Sylvia Arenas 8 để có một cuộc tuyển chọn nghị viên bổ nhiệm hai năm công bằng và minh bạch.

Các lý do ông nghị Cohen nghe mặt ngoài có vẻ thuyết phục, thế nhưng, đi vào thực tế nó sẽ không công bằng và minh bạch, vì thứ nhất, luật lệ của hội đồng thành phố San Jose từ trước đến giờ không có các quy định, có hệ thống rõ ràng về “vetting” tức là quy định chọn lọc ứng viên bổ nhiệm, vì thế tiến trình lựa chọn sẽ dựa vào “sự quen biết” và “phe nhóm” nhiều hơn. Thứ hai, cho dù có ghi nhận cố vấn của hai nghị viên số 8 và số 10 đi chăng nữa, kết quả bình bầu sẽ thiếu cân bằng, vì như đã đề cập phần trên, 7 nghị viên trong tổng số 11 nghị viên đã là người của nghiệp đoàn, nhất là ông nghị Cohen sẽ phải ra tái ứng cử vào năm 2024 và dĩ nhiên ông rất cần sự tài trợ của nghiệp đoàn lao động, đứng đầu là bà Cindy Chavez. Thứ ba, ông đem một nghị viên gốc Việt Nam là ông Nguyễn Mạnh và một nghị viên gốc Hoa là ông Kensan Chu ra để dẫn chứng bầu cử đặc biệt là vô ích vì, nhưng ông tảng lờ đi rằng, điều này chứng tỏ người dân khu vực không hài lòng về cách phục vụ của các nghị viên này, nên họ kéo xuống, đó chính là quyền chọn lựa người đại diện cho họ. Nhưng  kỳ này các nghị viên muốn tự đề cử và chọn người, đó là tiếng nói của các nghị viên, chứ không phải của hàng ngàn cư dân khu vực 8 và 10, chưa kể 11 nghị viên đó chỉ có 2 nghị viên là cư dân trong khu vực 8 và 10, còn 9 vị kia đâu phải là cư dân của hai  khu vực này mà cho mình quyền quyết định việc chọn người đại diện cho cư dân của hai khu vực đó. Chẳng khác gì anh là người ngoài nhưng anh đòi quyết định chuyện nội bộ của người ta.

Cuối cùng, trước con số 7 phiếu thuận 4 phiếu chống bổ nhiệm, hội đồng thành phố đã thông qua kiến nghị bổ nhiệm nghị viên cho khu vực 8 và 10. Cho dù các nghị viên thuộc phe nghiệp đoàn đã thắng, nhưng đây là dấu hiệu đầu tiên của sự chia rẽ trầm trọng, phân chia ranh giới rõ ràng giữa phe nghiệp đoàn lao động và phe ủng hộ thương mại, khiến  công việc của tân thị trưởng Matt Mahan vào năm tới sẽ không dễ dàng. Matt Mahan sẽ phải nhượng bộ nghị trình của phe nghiệp đoàn lao động đến mức nào để không mất phiếu của cư dân San Jose đã bầu cho ông vì họ muốn có sự thay đổi trong guồng máy công quyền rùa bò và trò chính trị “có qua có lại’ giữa các nghị viên và các nhóm đặc quyền đặc lợi mà như thị trưởng Sam Licardo đã nhắc nhở rằng “các nghị viên ủng hộ bổ nhiệm cũng là các nghị viên ủng hộ ứng cử viên Cindy Chavez, nhưng cử tri San Jose đã không chọn Cindy Chavez.” Hay nói cách khác lần này các nghị viên  vẫn cố tình đi ngược lại ý dân. Chưa hết, liệu rằng trong hai năm tới, sẽ có ứng cử viên gốc Á Châu nào thắng nổi nghị viên bổ nhiệm trong khu vực 8 hay không? Và đó cũng là câu hỏi, liệu 7 nghị viên ủng hộ bổ nhiệm sẽ đề nghị một ứng viên nào gốc Á Châu  không? Hay họ càng làm tăng thêm sự chia rẽ giữa cộng đồng gốc Á Châu và cộng đồng gốc Châu Mỹ La Tinh.

Nói tóm lại, thị trưởng tương lai có lẽ nên nghĩ đến việc sửa đổi luật bổ nhiệm cho công bằng, cũng như cư dân San Jose có nên nghĩ đến việc đề nghị một dự luật buộc các nghị viên, thị trưởng phải hoàn tất nhiệm kỳ của họ trước khi muốn ứng cử các chức vụ khác hay không để tránh cảnh “bổ nhiệm hay không bổ nhiệm.”

Các viên chức dân cử cũng cần nên nhớ dân là chủ, dân muốn mướn ai dân mướn, viên chức công quyền là “public servant” đầy tớ của nhân dân, khi muốn tăng lương đầy tớ tự quyết định tăng lương cho mình, nhưng khi cần phải phục vụ người chủ là dân, đầy tớ lại keo kiệt trong chuyện bảo vệ và thi hành ý của chủ.

Trúc Việt xin kết thúc phần tường trình và nhận định nơi đây bằng lời kêu gọi của hiệu trưởng trường trung học Y.B. và cũng là đắc cử viên chức uỷ viên khu học chánh tiểu học EverGreen, Mary Hiền Pollett:

“Lúc nào em có cơ hội để chia sẻ với cộng đồng Việt Nam hải ngoại, em đều kêu gọi:  nếu quý vị là người có quốc tịch chưa ghi danh thì ghi danh để đi được đi bầu,nếu quý vị đã ghi danh, quý vị đi bầu, để làm sao? Khi quý vị đi bầu, người ta biết cộng đồng mình dùng những lá phiếu đó để chọn người xứng đáng cho mình. Bất Cứ một người nào ra tranh cử, người ta biết số lượng Á Châu là bao nhiêu, số lượng người Việt đi bầu là bao nhiêu, người ghi danh đi bầu bao nhiêu, người đi bầu trong vòng 3 lần bầu cử gần nhất. Người ta có những dữ liệu đó và người ta sẽ dùng các dữ liệu đó. Nếu người ta biết người Việt mình ghi danh rồi mình đi bầu, người ta phải chen chân vào cộng đồng, đúng không quý vị?  Để làm gì? Để người ta giành lá phiếu của mình. Khi người ta giành lá phiếu, người ta phải vào cộng đồng, người ta ta phải hỏi mình muốn cái gì, nếu người ta xin mình một cái gì thì người ta phải trao đổi một món gì đúng không ạ?  Như vậy mình có cơ hội để có tiếng nói. Mình nói đây là những điều cộng đồng tôi cần.  Mình có cơ hội để mình làm như vậy; rồi mình lại có cơ hội đưa người trong cộng đồng của mình vào bàn quyết định.  Nếu mình không có tiếng nói, mình không có trong bàn quyết định đó.  Ai là người giành quyền lợi cho mình đây?

Em cho một cái ví dụ rất đơn giản và rất cụ thể.  Lần đầu tiên em đi dự tiệc gây quỹ ở nhà hàng Grand Century, ngồi trong bàn có Sherryl là người đại diện cho ông Matt Mahan. Chị Dung mua vé số chia ra cho mấy người ngồi chung trong bàn với chị Dung. Sherryl thừa hiểu tiệc này là tiệc của người Việt Nam và sẽ nói tiếng Việt. Sheryll ngồi trên bàn cầm một lô vé xố, nhưng không biết trúng hay không, tại vì người ta đọc số toàn bằng tiếng Việt. Đây là một cái ví dụ, cô ta là một số nhỏ trong bữa tiệc. Người ta không nhìn thấy cô ta là người không biết nói tiếng Việt, vì vậy không ai đọc tiếng Anh. Đây là một cái ví dụ rất đơn giản, nhưng rất cụ thể. Tạisao? Sherryl đâu có là người trên sân khấu và cũng không là người quản trị cho nên người ta đâu có biết là Sherryl tồn tại trong bàn đó. Sherryl không biết nói tiếng Việt thành ra Sherryl không có cơ hội để thắng. Bây giờ người ta có gọi số của Sherryl, cô ta cũng không thắng được.  Em nói ví dụ đó để cho mọi người hiểu là nếu mình không ngồi trong bàn quyết định, người ta sẽ quên mình là ai, không ai nhớ tới mình. Người ta quyết định là người ta quyết định cho người ta mà thôi. Người ta không quyết định cho mình, tại vì mình không có tiếng nói gì hết. Quý vị đừng có nghĩ để người ta muốn làm gì thì làm, nếu mà mình nói là để cho người ta muốn làm gì thì làm thì người ta làm cho người ta thôi, người ta không làm cho mình. Nếu mình muốn người ta làm cho mình, thì mình phải dùng lá phiếu để là một sợi dây ràng buộc, để người ta nhớ là người ta phải làm theo những gì người ta hứa. Nếu mình không ngồi trong bàn quyết định, mình cũng dùng được lá phiếu đó để mình trao đổi. Đúng không? Tôi bầu cho bà thì bà phải làm cái này cho tôi đại khái như vậy. Còn bây giờ mình không đi bầu, mình không ghi danh, người ta sẽ không đi vô cộng đồng mình để tìm làm gì.  Vì như vậy em kêu gọi mọi người trong cộng đồng mình phải ghi danh đi bầu. Nếu mình cứ ngồi chờ người ta quyết định, người ta làm cho mình thì chuyện đó không xảy ra, cho nên mình phải thay đổi cách làm việc để mình đưa người đại diện của mình, để lắng nghe tiếng nói của mình, giành lại quyền lợi của mình, nếu mình không đủ lá phiếu thì mình cũng không làm gì được. Mình phải cần sự cân bằng ở trong hệ thống của thành phố san jose.”

Trúc Việt

Xem buổi họp được quay lại dưới đây:

Show More
Back to top button