Đời SốngVietnam

Đề xuất sửa Luật để ‘xây nhà trong khu bảo vệ di tích’ có hợp lý?

Dự án Luật Di sản văn hóa sửa đổi, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ngày 17/4/2024, có đề xuất của Chính phủ Việt Nam rằng, khu vực bảo vệ I của di tích được triển khai dự án đầu tư, xây dựng nhà ở riêng lẻ.

Khu vực bảo vệ I theo Luật Di sản văn hóa, là vùng có yếu tố gốc cấu thành di tích, gồm công trình, địa điểm tiêu biểu của sự kiện lịch sử, văn hóa hoặc gắn với thân thế, sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử…

Đề xuất trên được nói đã nhận được nhiều sự không đồng tình từ nhiều thành viên Thường vụ Quốc hội.

advertisement

Không cần thiết

Một Kỹ sư xây dựng từng làm việc tại Việt Nam và Nhật Bản, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 19/4/2024 nhận định với RFA:

“Việc sửa Luật để “xây dựng nhà trong khu bảo vệ di tích” phải tuân thủ theo Luật chuyên ngành đã được ban hành, cụ thể ở đây là Luật xây dựng năm 2014 và Luật sửa đổi một số điều trong Luật xây dựng năm 2020. Ngoài ra còn phải theo Luật đất đai nữa. Theo đó, điều 89 Luật xây dựng 2014 và điều 30 Luật xây dựng sửa đổi, muốn xây dựng nhà riêng lẻ trong khu di tích phải xin giấp phép xây dựng, cơ quan có thẩm quyền xem xét công trình có phù hợp với quy hoạch của khu di tích hay không, có ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường hay không?”

Ngoài ra, Kỹ sư này cho biết thêm, theo Luật đất đai, còn phải xem công trình xây dựng có làm đúng mục đích sử dụng đất hay không. Ông đưa ra ví dụ: đất dùng cho công trình công cộng thì không được xây dựng nhà. Ông nói tiếp, lẽ ra, đã có các Luật chuyên ngành, muốn xây dựng nhà hay bất cứ công trình gì trên đất của khu di tích thì cứ theo Luật chuyên ngành như Luật xây dựng, Luật đất đai mà làm. Nghĩa là, việc đề xuất trên, với ông là không cần thiết.

Điều 89 Luật xây dựng 2014 và điều 30 Luật xây dựng sửa đổi, muốn xây dựng nhà riêng lẻ trong khu di tích phải xin giấp phép xây dựng, cơ quan có thẩm quyền xem xét công trình có phù hợp với quy hoạch của khu di tích hay không, có ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường hay không?
-Một Kỹ sư xây dựng

Nhân việc này, ông chia sẻ thêm thông tin thực tế ở Việt Nam, khi ông làm việc tại đây:

“Tôi nhận thấy nhiều khu di tích đã bị thương mại hóa, người ta đã biến khu di tích thành nơi kinh doanh. Những nơi này, do không có trong quy hoạch, chỉ tự phát, chính quyền địa phương vì muốn bảo đảm thu ngân sách từ khách tham quan nên đã lơ là việc quản lý, vì vậy mà các khu di tích trông rất nhếch nhác.”

Mặt khác, theo vị kỹ sư này, nhiều công trình trong khu di tích qua thời gian hàng trăm năm hiện đã xuống cấp, nên cần phải được tôn tạo, tu sửa. Song, theo ông, việc tôn tạo, tu sửa mà cứ làm như mới, không giữ nguyên bản thì không còn là di tích, không đúng với nguyên tắc phục chế, bảo tồn di tích. Ông nói thêm:

“Ngoài ra, về kinh phí trùng tu, tôn tạo cũng hạn chế nên nhiều công trình trong khu di tích phải làm mất nhiều năm. Tôi đã từng trực tiếp trùng tu các cụm tháp Chămpa như cụm tháp Dương Long- ba tháp, cụm tháp Bánh Ít- bốn tháp, tháp Đôi Quy Nhơn- hai tháp, tháp Cánh Tiên… nên tôi thấy rõ điều vừa nói trên!”

advertisement

Vịnh Hạ Long được UNESCO hai lần công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào năm 1994 và năm 2000. AFP.

Không vì lợi ích của dân

Dù nhận được nhiều phản đối từ thành viên Thường vụ Quốc hội về đề xuất trên, nhưng tại cuộc họp, bảo vệ lý luận của mình, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng đề xuất bổ sung quy định xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ I, nhằm ‘phát huy giá trị của di sản’. (!?)

Ông Trần Anh Quân, một người hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 19/4/2024 khi trao đổi với RFA về đề xuất trên, nhận định rằng, Luật Di sản văn hóa ở Việt Nam có rất nhiều bất cập từ trước tới nay. Nhiều ngôi nhà được xếp hạng di tích khiến chủ nhà khổ sở vì, ở thì nguy hiểm, bán thì không được mà sửa cũng không xong. Cho nên việc sửa luật là rất cần thiết để bảo đảm quyền lợi của người dân. Tuy nhiên, theo ông Quân:

“Việc ‘cho phép triển khai dự án đầu tư, xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ I của di tích’ thì lại không phải để bảo vệ người dân trong khu di tích, mà để phá nát các khu di tích. Cái mà người dân cần là được phép sửa chữa, nâng cấp hoặc mua bán những ngôi nhà hiện hữu trong các khu di tích. Còn cái mà quốc hội muốn lại là xây thêm nhà ngay trong vùng lõi của di tích. Tức là phá hết cảnh quan, kiến trúc cũ, xây thêm công trình mới trên phần di sản cần bảo tồn.”

Quốc hội muốn lại là xây thêm nhà ngay trong vùng lõi của di tích. Tức là phá hết cảnh quan, kiến trúc cũ, xây thêm công trình mới trên phần di sản cần bảo tồn.
Trần Anh Quân

Theo ông Quân, đây là điểm rất nguy hiểm, vì xây thêm dự án trên khu di tích có thể làm lệch lạc kiến thức lịch sử, ảnh hưởng tới nhiều đời sau. Ông chia sẻ tiếp:

“Rõ ràng là sau khi đã bán hết rừng vàng biển bạc, thì quốc hội đang tính ‘phân lô bán nền’ luôn các khu di tích để bổ sung ngân sách hoặc có thể là để làm giàu cho các tham quan. Như cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng nói ‘ngân sách như dòng sông đã cạn’, quốc hội bây giờ chỉ cần tiền chứ đâu có cần lịch sử ông cha!”

Đề xuất “lùi”

Từ Sài Gòn hôm 19/4/2024, Nhà Nghiên cứu Văn hóa Ngôn ngữ, PGS. TS. Hoàng Dũng nhận định:

“Cái đó là một bước lùi, bởi vì trước đây theo tôi biết là người ta đã quy hoạch thì không được xây trong di tích hay khu di sản. Bây giờ chấp nhận xây tức là một bước lùi rất rõ rệt. Tôi không đọc thật là kỹ lưỡng, nếu họ chỉ có vùng lõi tuyệt đối không được xây, còn vùng bảo vệ chấp nhận một số trường hợp nào đó, thì còn có thể chấp nhận.”

Giáo sư Hoàng Dũng cho rằng, nếu Chính phủ Việt Nam cho xây dựng nhà trong khu bảo vệ di sản mà không có ranh giới nào cả, ngay trong di tích cũng có thể xây dựng thì, ông lo ngại trong điều kiện ở Việt Nam, luật pháp có cũng như không, thì việc mở rộng ra như vậy rất dễ bị lợi dụng và cuối cùng di tích bị thiệt hại một cách không thể cứu chữa được. Ông Dũng nói tiếp:

Vô số ví dụ cho thấy việc bảo vệ di sản không tốt. Chính phủ thì có rất nhiều lời nói, kể cả có những văn bản pháp luật kèm theo để bảo vệ di sản, nhưng mà ngay trong luật pháp cũng đã có nhiều chỗ hở, việc thực hiện còn tệ hơn… Có thể nói năm nào cũng có vụ xâm hại di tích được công bố, cho thấy tình hình đáng báo động, “một chập” (cuối cùng-pv) dân ta không còn di tích nào nữa đâu.”

Thời gian qua, rất nhiều vụ xâm hại di tích, di sản bị báo chí phanh phui. Mới nhất là ngày 5 tháng 11 năm 2023, Báo Tiền Phong có bài viết “Dự án khu đô thị quây núi đá vịnh Hạ Long làm ‘hòn non bộ’, với hình ảnh đất đá lấp vịnh, quây núi đá vôi gây xôn xao dư luận. Dự án lấp vùng đệm vịnh Hạ Long làm biệt thự, nhà liền kề bị dư luận xã hội cho là đang hủy hoại một di sản thiên nhiên tầm cỡ quốc tế.

Tin từ RFA Read More

Show More
Back to top button