Đời SốngVietnam

Được đình chỉ điều tra vì “khai báo gian dối trong thời gian rất ngắn” có hợp lý?

Trước phiên sơ thẩm (được mở lại lần thứ hai) vụ tai nạn giao thông gây chết nữ sinh lớp 12 ở Ninh Thuận, diễn ra vào ngày 5 tháng 12 năm 2023, hai bị can Phạm Văn Võ và Huỳnh Thị Kim Hằng được đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra, do ‘việc khai báo gian dối chỉ diễn ra thời gian rất ngắn, sau đó đã chủ động khai báo sự thật, nhận thức được sai phạm, thành khẩn và ăn năn hối cải’.

Phiên sơ thẩm lần thứ nhất diễn ra ngày 17 tháng 8 năm 2023, tuy nhiên Tòa án Quân sự khu vực 2 Quân khu 5 tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Có bỏ lọt tội phạm?

advertisement

Việc được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án đối với bà Hằng (vợ của cựu thiếu tá Hoàng Văn Minh – người lái xe hơi tông chết nữ sinh) và ông Võ (chú của Minh), đồng nghĩa với việc hai người này được miễn tố, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, khiến công luận bất bình.

Lý do miễn tố được đưa ra bao gồm cả việc “Khai báo gian dối trong thời gian ngắn” đã là một sự tùy tiện khó hiểu đối với công chúng. Vì lẽ, “Khai báo gian dối trong thời gian ngắn” không nằm trong bất kỳ quy định hình sự nào như là lý do để miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho tội phạm cả. – Luật sư Đặng Đình Mạnh

Luật sư Đặng Đình Mạnh với kinh nghiệm 25 năm hành nghề luật sư trong nước, hiện ở Hoa Kỳ, nêu quan điểm của ông với RFA sáng ngày 5 tháng 12 năm 2023:

“Lý do miễn tố được đưa ra bao gồm cả việc “Khai báo gian dối trong thời gian ngắn” đã là một sự tùy tiện khó hiểu đối với công chúng. Nhất là khi hành vi phạm tội của hai người này có yếu tố định khung tại Khoản 2 Điều 382 về “Có tổ chức”. Vì lẽ, “Khai báo gian dối trong thời gian ngắn” không nằm trong bất kỳ quy định hình sự nào như là lý do để miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho tội phạm cả.

Hơn nữa, việc chấm dứt khai báo gian dối của hai người không xuất phát từ sự tự nguyện, hoặc vì sự ăn năn hối cải, mà chỉ là hệ quả sau khi có clip camera được tung ra cho thấy sự thật rằng người lái xe ô tô chính là vị thiếu tá quân đội chứ không phải như lời khai báo gian dối của họ.

Chưa kể, công chúng cũng phát hiện ra rằng không chỉ hai người thân của viên thiếu tá quân đội khai báo gian dối, mà chính bản thân viên thiếu tá cũng có sự khai báo gian dối. Sự khai báo gian dối của cả ba người đều thuộc trường hợp có yếu tố định khung tại Khoản 2 Điều 382 cả. Do đó, các cơ quan tiến hành tố tụng tại tỉnh Ninh Thuận chưa xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội “Khai báo gian dối” của viên thiếu tá quân đội là đã hiển nhiên bỏ lọt tội phạm.”

Khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.

Tạo tiền lệ xấu

advertisement

Một số chuyên gia luật pháp cho rằng, trong luật không quy định được miễn trách nhiệm hình sự với tội “Khai báo gian dối” nếu bị can/bị cáo chỉ khai báo gian dối trong thời gian rất ngắn, sau đó khai báo sự thật.

Luật sư Ngô Anh Tuấn ở Hà Nội nói với RFA quan điểm của ông liên quan vấn đề trên:

“Cái này thì trong luật tôi thấy không dẫn chiếu nên không biết bên Cơ quan điều tra quân sự, bên Viện kiểm sát quân sự hay Tòa án Quân sự Khu vực 2 họ căn cứ vào điều luật nào mà tôi chưa được đọc. Theo tôi, nếu đưa ra những lý do đó để miễn trách nhiệm hình sự thì nó khiên cưỡng. Thay vào đó, họ có thể sử dụng một cách khác vừa đúng pháp luật, vừa nhân văn, đó là có thể miễn hình phạt.

Ở đây họ đã xác định là có hành vi phạm tội, có nghĩa có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm rồi nên cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Sau đó, nếu họ có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì có thể xem xét miễn chấp hành hình phạt theo Khoản 2 Điều 54 hoặc Khoàn 1 Điều 51.

Họ cần phải bị xử lý trách nhiệm hình sự để bảo đảm tình răn đe và tính công bằng với những người khác. Ở đây còn có bên bị hại và tính nghiêm minh của pháp luật nhà nước nữa.”      

Luật sư Ngô Anh Tuấn nói thêm, việc họ nhấn mạnh tình tiết “diễn ra trong một thời gian rất ngắn” có vẻ chỉ để cố gắng minh chứng cho sự không quyết tâm thực hiện hành vi phạm tội tới cùng hay tự ý giữa chừng chấm dứt hành vi phạm tội nhưng tất cả điều đó không phải là căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 29 Bộ Luật Hình Sự; nội dung này cần cân nhắc kỹ lưỡng để không bỏ lọt tội phạm cũng như tạo tiền lệ xấu cho những hành vi tương tự trong tương lai.

Cái này thì trong luật tôi thấy không dẫn chiếu nên không biết bên Cơ quan điều tra quân sự, bên Viện kiểm sát quân sự hay Tòa án Quân sự Khu vực 2 họ căn cứ vào điều luật nào mà tôi chưa được đọc. Theo tôi, nếu đưa ra những lý do đó để miễn trách nhiệm hình sự thì nó khiên cưỡng. – Luật sư Ngô Anh Tuấn

Vụ án cựu thiếu tá quân đội lái xe gây tai nạn khiến nữ sinh tử vong ở Ninh Thuận (vào ngày 28 tháng 6 năm 2022) cũng từng gây xôn xao dư luận, khi Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận cho kết quả nồng độ cồn trong máu nữ sinh tử vong là 0,79 mg/100 ml máu. Sau đó, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận đã phải xin lỗi gia đình nạn nhân về những “sai sót” của nhân viên bệnh viện trong quá trình xét nghiệm nồng độ cồn.

Tại phiên xử sơ thẩm lần thứ hai hôm 5 tháng 12 năm 2023, cựu thiếu tá quân đội Hoàng Văn Minh, bị tuyên án 14 tháng tù và phải bồi thường 245 triệu đồng về tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” gây chết người.

Theo kết luận của tòa, ông Hoàng Văn Minh có lỗi 80%; nữ sinh bị tử vong có lỗi 20% do không có bằng lái xe, không làm chủ tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.

Bản án tiếp tục gây bức xúc trong công luận khi vị cựu thiếu tá quân đội tông chết người chỉ bị phạt 14 tháng tù. Nhiều người để lại nhận xét trên truyền thông rằng “Lái xe nghe điện thoại, lúc gây tai nạn xuống xe vẫn nghe điện thoại, nhờ người nhận tội thay, cố tình thay đổi kết quả xét nghiệm máu… từng ý tội mà 14 tháng tù!!!”.

Trong khi đó, theo thống kê của RFA, trong giai đoạn 2020-2022, có ít nhất 34 người bị kết án theo Điều 331 Bộ luật Hình sự, 34 người bị kết án theo Điều 117 Bộ luật Hình sự, với các án tù từ dưới năm năm đến trên 10 năm tù. Các Điều 117 (Tuyên truyền chống Nhà nước) và Điều 331 (Lợi dụng các quyền dân chủ) đã bị quốc tế chỉ trích là mù mờ và thường dùng để bịt miệng những người dám lên tiếng chỉ trích chính quyền.

Tin từ RFA Read More

Show More
Back to top button