Đời SốngVietnam

2024: tăng trưởng tín dụng 15% gây tác động gì?

Ngân hàng Nhà nước tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ hôm 5/1/2024 cho biết đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024.

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 đạt 13,71%, khối lượng tiền đưa vào nền kinh tế khoảng 1,5 triệu tỷ đồng. Do đó, nếu tính trên cơ sở dư nợ hiện nay thì sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế năm 2024 nếu tăng trưởng tín dụng đạt 15%.

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài chính Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 9/1/2024, nhận định:

advertisement

“Thực tế việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng cũng chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Bởi vì việc tìm nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế trong thời gian vừa qua gặp nhiều khó khăn. Trước hết nói về vốn cổ phần, việc phát hành thêm cổ phiếu gặp khó khăn vì thị trường chứng khoán trong năm vừa qua lình xình, chiều hướng thì tăng, nhưng lúc lên lúc xuống không ổn định… vì thế khó cho các doanh nghiệp. Còn thị trường trái phiếu nếu mà nói phía doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong thời gian trước đây thì tỷ lệ tăng trưởng rất cao mỗi năm 30% và nó đã trở thành nguồn vốn rất quan trọng cho sản xuất.”

Việc nâng mức tăng trưởng tín dụng lên trong trường hợp nền kinh tế suy yếu không hấp thụ được nó sẽ dẫn đến nợ xấu và lạm phát, làm bất ổn nền kinh tế vĩ mô của quốc gia.
-Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ

Tuy nhiên theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, do việc quản lý, giám sát, cũng như các hoạt động trên thị trường không được đẩy mạnh… cho nên tuy nhà nước đưa ra nghị định 65 để quản lý, nên việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn. Vì vậy ông Thịnh cho rằng nguồn vốn dùng cho tăng trưởng sản xuất kinh doanh chỉ trông chờ nhiều vào nguồn tín dụng ngân hàng. Ông Thịnh nói tiếp:

“Rõ ràng trong năm 2023 vừa rồi tín dụng ngân hàng cũng đạt đến mức 13,4% tăng trưởng so với năm 2022 và như vậy với nhu cầu tăng trưởng nền kinh tế năm 2024, mức tăng trưởng tín dụng 15% theo tôi là có thể chấp nhận được. Đây không phải là tăng nợ nước ngoài hoặc tăng nợ của nền kinh tế. Thực tế đây là các doanh nghiệp có thể đi vay nợ từ các ngân hàng thương mại để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.”

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng điều kiện của nền kinh tế Việt Nam cuối năm 2023 tăng trưởng tương đối tốt và mức độ tăng trưởng trong năm 2024 dự báo sẽ tốt hơn. Vì vậy theo ông Thịnh, Ngân hàng Nhà nước xác định con số 15% tăng trưởng tín dụng là hợp lý, sẽ làm tăng nguồn vốn của nền kinh tế và không có ảnh hưởng đến lạm phát hay vay nợ hay các vấn đề khác nếu được điều chỉnh kịp thời.

Ảnh minh họa: Một nhân viên ngân hàng kiểm tra các chồng tiền giấy tại một chi nhánh của VPBank ở Hà Nội vào ngày 29 tháng 6 năm 2023. Nhạc NGUYÊN / AFP.

Cũng tại cuộc họp Chính phủ hôm 5/1, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, kinh tế năm 2024 có nhiều dấu hiệu cho thấy sự khởi sắc hơn trên cơ sở của năm 2023. Ngoài ra theo ông Tú, tăng trưởng tín dụng cũng sẽ được hỗ trợ từ mức lãi suất đang rất thấp hiện nay. Do đó vị Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết ông tin rằng đây là một trong những yếu tố cơ bản để tăng trưởng tín dụng có thể tăng mạnh.

Tuy nhiên Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy hôm 9/1 lại cho RFA biết nâng mức tăng trưởng tín dụng cũng sẽ có nhiều ảnh hưởng tiêu cực:

advertisement

“Việc nâng mức tăng trưởng tín dụng lên trong trường hợp nền kinh tế suy yếu không hấp thụ được nó sẽ dẫn đến nợ xấu và lạm phát, làm bất ổn nền kinh tế vĩ mô của quốc gia.

Trung bình, trong vòng 5 năm trở lại đây, mức tăng trưởng tín dụng hàng năm là khoảng 13,5%. Việc nâng dự báo mức tăng trưởng tín dụng lên 15% nó đồng nghĩa với việc những người làm chính sách lạc quan về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024.”

Thực tế việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng cũng chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Bởi vì việc tìm nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế trong thời gian vừa qua gặp nhiều khó khăn.
-PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh

Theo Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ, thực tế thì tình hình chưa hẳn là lạc quan cho nền kinh tế Việt Nam. Ông nêu dẫn chứng:

“Việt Nam là một nền kinh tế mở và phụ thuộc khá nhiều vào tình hình kinh tế thế giới. Trong khi đó tình hình kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu cho một sự khởi sắc rõ ràng trong năm 2024. Ngân hàng Trung ương Mỹ vẫn giữ lãi suất cơ bản ở mức rất cao tới 5,5% và vẫn chưa đưa ra một dấu hiệu cắt giảm nào. Ngoại trừ Nhật, các ngân hàng lớn khác như Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng Anh đều giữ lãi suất cơ bản ở mức rất cao.”

Ông Vũ cho rằng, việc các ngân hàng trung ương lớn duy trì một mức lãi suất cao như vậy không những sẽ khiến nền kinh tế của họ bị trì trệ, mà với vị trí là nước lớn, có nhiều giao thương, nó sẽ khiến sự trì trệ tác động lên các quốc gia khác. Việt Nam là một quốc gia như vậy. Tiến sĩ Vũ dẫn chứng:

“Khi nhu cầu hàng hoá cơ bản ở các nước này giảm xuống, nó đồng nghĩa với việc các công ty sản xuất đặt ở Việt Nam có ít đơn hàng hơn. Những khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất dành cho xuất khẩu sẽ lây lan sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Lúc này, việc cho vay tiền để mở rộng sản xuất nó dễ trở thành những món nợ khó đòi và sau này ảnh hưởng đến toàn hệ thống tài chính của quốc gia.”

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thường là cách làm dễ dàng nhất để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Nhưng tăng trưởng tín dụng nhanh có thể tạo ra những rủi ro mới cho ngành ngân hàng, đặc biệt nếu tín dụng mới được phân bổ cho các ngành kém hiệu quả hoặc rủi ro cao.

 

Tin từ RFA Read More

Show More
Back to top button