Đời SốngVietnam

‘Một miếng khi đói bằng một gói khi no’

Với một người có đầy đủ mọi thứ, một tô mì chay với vài cọng nấm, vài hạt đậu phộng và ít nước dùng nấu từ gói gia vị mì gói thì chả ai màng tới, thế nhưng với những người chạy xe ôm, bán vé số hay đang thất nghiệp, hoặc già cả không làm gì ra tiền… thì “một miếng khi đói bằng một gói khi no” là thật.

Tô mì Quảng miễn phí tối Thứ Sáu 24 Tháng Mười Một tại nhà thờ Mạc Ty Nho – Ảnh: Minh Anh

Sài Gòn có rất nhiều điểm phục vụ bữa ăn miễn phí hoặc bán rẻ đồ ăn cho người nghèo với giá 2,000 đồng ($0.082). Nhưng hầu hết những nơi này chỉ mở buổi sáng hoặc buổi trưa, còn bữa tối thì hầu như không thấy.

advertisement

Chính vì thế, hơn một tháng nay, chương trình “Tô mì 0 đồng” mở lúc 20 giờ – 21:30 từ Thứ Hai đến Thứ Sáu trước sân nhà thờ Mạc Ty Nho (tên tiếng Việt của Thánh Martino thành Tours – một vị giám mục của Pháp) – đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 (Sài Gòn) đã được dân nhà nghèo truyền miệng nhanh như đường đi của ánh sáng.

Một vị khách quen của quán mì 0 đồng mời người thanh niên đi xe ôm dừng xe lấy nước vào gửi xe và ăn mì – Ảnh: Minh Anh

Đó là một tối Thứ Sáu của Tháng Mười Một, tôi đến địa điểm đó vào lúc 18:30 và chứng kiến sự chuẩn bị của nhà xứ Mạc Ty Nho. Một ông bảo vệ nhà thờ độ chừng hơn 60 đã đưa một rổ đựng ly nhựa để gần bình nước ngoài lề đường, dựng một tấm bảng “Xin gửi xe bên trường”, bưng bàn ghế ra ngoài vỉa hè.

Bên trong nhà xứ, mọi người đẩy cái xe mì ra sát cửa, trên xe có rất nhiều tô nhựa. Cái xe mì đó đồng thời cũng là xe bán bánh mì kẹp chả lụa vào buổi sáng cho học sinh – sinh viên với giá 2,000 đồng ($0.082).

Chiếc xe buổi sáng bán bánh mì kẹp chả giá 2,000 đồng, buổi tối là xe mì miễn phí – Ảnh: Minh Anh

Không biết tự bao giờ, nhà thờ có hai bình nước để trên vỉa hè, sát lòng đường, mời gọi những ai đi đường khát nước có thể lấy miễn phí: Một bình nước lọc và một bình nước trà đá, có ống đựng sẵn những ly nhựa uống một lần.

Đứng một lát trên vỉa hè, tôi gặp rất nhiều người chạy xe ôm công nghệ tấp vào, họ uống tại chỗ một phần rồi còn rót thêm vào chiếc bình họ mang theo, đỡ được tiền mua nước, ít nhất cũng 6,000 đồng/chai – 10,000 đồng ly trà đá.

Cái bình nước ấy vào buổi tối (Thứ Hai – Thứ Sáu) còn phục vụ những người nghèo sau khi ăn xong phần mì miễn phí. Hầu như ai ăn xong mì cũng ghé vào lấy một ly nước uống, vậy là họ đã có một bữa tối  ấm bụng.

advertisement

Nhờ có bình nước miễn phí, dân chạy cả ngày ngoài đường như xe ôm công nghệ đỡ tốn tiền mua nước uống – Ảnh: Minh Anh

Từ lúc 19 giờ đã thấy đông người ngồi trên những chiếc bàn trống không dựng trên vỉa hè của một trường học, sát với sân nhà thờ. Họ đi bộ, hoặc đi xe đạp, đi xe gắn máy. Xe của họ được gửi trong sân trường miễn phí, vì nhà xứ Mạc Ty Nho đã trả thù lao cho người giữ xe.

Trên mỗi chiếc bàn có một hộp muỗng đũa,  chai tương ớt, hũ sa-tế và một hộp tăm.

Bên ngoài vỉa hè, nhiều người đã ngồi chờ đợi đến giờ được vào nhận mì – Ảnh: Minh Anh

Người đến sớm nhất ngoài tôi còn có một ông 50 tuổi, mặt mũi sáng láng, mặc đồ tươm tất, nói mình đi bộ từ nhà thờ Phú Nhuận (đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận) đến đây (khoảng cách hơn ba cây số). Hỏi sao ông không đi xe? Ông bảo không có xe, cũng không biết đi xe vì hay bị đau đầu.

Hỏi ông làm gì? Ông bảo bệnh nhiều lắm, không làm gì được, hiện sống cùng bà chị hơn 60 tuổi, cả hai chị em đều sống độc thân, buôn bán lặt vặt sống qua ngày.

Ông nói với tôi: “Hơn một tháng nay, tối nào tôi cũng ăn ở đây”. “Ngon không?” – tôi hỏi. Ông bảo: “Tôi dễ ăn lắm, ăn gì cũng được. Có ăn mà không tốn tiền là tốt rồi”.

Bên trong, những giáo dân tình nguyện phục vụ đang tất bật chia mì và đồ ăn ra tô – Ảnh: Minh Anh

Rồi ông tâm sự, buổi trưa ông thường đến quán Huynh Đệ của linh mục Sang trên đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận. “Cha Sang tử tế, cho ăn ngon mà chỉ có 2,000 đồng”, ông nhận xét.

Ông cũng cho rằng việc cha xứ Mạc Ty Nho bày bàn ăn trên vỉa hè là đúng, vì ăn trong sân nhà thờ như trước, đồ ăn dư thừa bị đổ sẽ vấy bẩn sân nhà thờ.

Bên trong, sân nhà thờ nhộn nhịp những người đến phục vụ – họ là những giáo dân của xứ, hầu hết là các bà các cô. Họ chia mì luộc sẵn vào tô, thêm rau, thêm nấm xào, thêm đậu phộng, rau thơm và ít bánh tráng bẻ vụn. Hôm nay cha xứ Mạc Ty Nho mời mọi người ăn mì Quảng chay. Trong bộ thường phục, vị linh mục bước ra chỉ huy mọi việc.

Giáo dân tình nguyện phục vụ chia nhau mỗi người một việc rất nhịp nhàng – Ảnh: Minh Anh

Sau khi các bà các cô chia mì xong, viị linh mục đề nghị mọi người xếp hàng trật tự, cho phép năm người vào cùng một lúc. Từng tô mì được múc nước dùng và trao tận tay từng người. Người lớn tô lớn, trẻ em tô nhỏ.

Tôi cũng xếp hàng để nhận một tô mì từ tay một giáo dân. Đứng trước tôi là một cô gái trẻ, đầu cạo trọc, mặc đầm, sau lưng là cái ba lô nhỏ xinh. Tôi bưng tô mì đi theo cô gái này ra ngoài kiếm chỗ ngồi.

Hàng người xếp hàng vào chờ nhận mì – Ảnh: Minh Anh

Trên chiếc bàn tròn tôi ngồi có hai nam trẻ, độ chừng trên 30 và một ông già trên 70 tuổi, và cô gái đầu cạo trọc. Khi thấy tôi chụp hình tô mì, cô gái né ra, tôi cười bảo: “Tôi chụp tô mì thôi”.

Cô ấy gần 40 tuổi, sống lang thang ngoài đường cả sáu tháng nay vì mất hết giấy tờ, không ai thuê mướn làm việc. Tôi hỏi nhà cô trước kia ở đâu? Cô bảo ở Gò Vấp, nhưng là nhà cha mẹ. Sau khi ông bà mất, anh chị em bán căn nhà của cha mẹ, chia nhau mỗi người được vài trăm triệu đồng.

Cô và chồng và ba đứa con dắt nhau đi thuê phòng. Công việc tạm bợ, nay có mai không, họ tiêu xài hết tiền của cha mẹ để lại, rồi chồng cô dắt ba đứa con bỏ đi, cô bị mất giấy tờ, lang thang sống ngoài quận 1.

Quán mì 0 đồng trên vỉa hè ở quận 1, Sài Gòn, không chỉ giúp người nghèo no bụng mà còn giúp họ đủ sức để tiếp tục hy vọng – Ảnh: Minh Anh

“Tối em ngủ đâu?” – “Trạm xe buýt” – “Rồi tắm ở đâu?” – “Tắm 10,000 đồng/lần, có tiền mới tắm”, cô trả lời, khuôn mặt đen nhẻm bình thản.

“Sao em không đi làm lại giấy tờ?” – “Không có tiền”, cô trả lời gọn lỏn và tâm sự sáng cô đến nhà thờ Mạc Ty Nho mua bánh mì 2,000 đồng để ăn, trưa nhịn đói, tối lại đến nhà thờ ăn mì miễn phí.

Một cuộc đời vô định, khi chưa đến 40, thật cám cảnh.

Hơn 21 giờ vẫn còn người tấp vào quán mì để có thể ấm bụng ngủ ngon – Ảnh: Minh Anh

Bên cạnh cô gái là một chàng trai hơn 30 tuổi, làm nghề giúp việc nhà cùng với người mẹ. Chàng trai có khuôn mặt gãy, giọng nói lắp bắp, bảo hai mẹ con ở nhờ nhà một giáo dân đạo Công giáo ở Bình Thạnh, ban ngày giúp việc cho họ. Hỏi sao không đưa mẹ đi ăn, chàng trai bảo “Con đi xe đạp, không chở được mẹ, mẹ con thích ở nhà hơn”.

Đối diện với cô gái là một chàng trai khác cũng trên 30, làm nghề bảo vệ. Anh chàng quê Bà Rịa, ở trọ trong hẻm gần nhà thờ, nói: “Cứ tối Thứ Sáu là cha cho mọi người ăn chay, chứ ngày thường mì của cha có thịt”.

Nét nhân văn của quán mì 0 đồng là ai ăn chưa no có thể xếp hàng vào lấy tô thứ hai – Ảnh: Minh Anh

Cả hai chàng trai và cô gái, mỗi người đều ăn hết sạch hai tô mì. Họ bảo cha cho phép mọi người ăn thêm nếu chưa no, chỉ cần ăn xong, bưng tô vào chỗ rửa chén để vào chậu, là có thể ra lấy tô khác.

Một ông trên 60 tuổi, vẻ ngoài tươm tất, bảo nhà trong hẻm phía sau nhà thờ, không phải dân Công giáo. Ông nói: “Cha không phân biệt có đạo hay không có đạo, ai đến ăn cũng được. Hôm nào cha nấu mì gói thì tôi ăn một tô vì ngán, còn như hôm nay mì Quảng chay mà ngon, tôi ăn hai tô. Trong tuần sẽ có một ngày cha nấu mì tươi với nước lèo có xương có thịt ngon lắm, ngày đó có người ăn ba tô”.

Có cả trẻ em trong quán mì 0 đồng – Ảnh: Minh Anh

Hết lớp người này đứng lên thì đến lớp người khác tấp vào quán mì 0 đồng, trong ánh đèn rực sáng của đèn đường. Tôi nhìn thấy đồng phục của vài hãng xe công nghệ, đồng phục của người thu dọn rác, còn lại là người già, người trung niên, kể cả trẻ em – con cháu của ai đó dẫn đến.

Gần 21 giờ, những chiếc bàn dành cho người ăn mì 0 đồng chỉ còn ít người ngồi, nhưng vẫn có những người mới đi bán vé số hay chạy xe ôm… chạy ngang ghé vào, vì nhà xứ vẫn còn đủ mì phục vụ.

Một bạn trẻ làm nghề thu dọn rác đã đủ sức tiếp tục công việc của mình giữa đêm nhờ tô mì 0 đồng – Ảnh: Minh Anh

Ông bảo vệ nhà thờ nói với tôi: Buổi sáng cha bán hơn 100 ổ bánh mì, còn buổi tối phục vụ hơn 200 người. Ngoài những người nghèo, còn có cả những người hảo tâm, đến ăn rồi để lại vài thùng mì. Ông bảo nhỏ với tôi: “Mì gói giờ cha có nhiều lắm, cha đang cần hủ tiếu, miến, phở… để thay đổi cho họ đỡ ngán”.

“Cho người đói ăn, cho người khát uống” là lời dạy của Chúa Jesus, và vị linh mục nhà thờ Mạc Ty Nho đang thực hành lời dạy của Chúa. Tuy nhiên, khi mở ra quán mì 0 đồng, ông đã tạo cơ hội kết nối những tấm lòng nhân ái, sẵn sàng bỏ công, bỏ của, phục vụ cho người nghèo, sống đúng tinh thần của đạo Công giáo.

Chủ nhân của chiếc xe đạp này dựng tạm chiếc xe bên trạm xe buýt để vào thưởng thức tô mì 0 đồng – Ảnh: Minh Anh

Từ nghĩa cử của vị linh mục nhà thờ Mạc Ty Nho, tôi tin rằng nếu nhà thờ nào ở Sài Gòn cũng mở quán ăn 0 đồng vào buổi tối thì người nghèo sẽ đến tụ tập chờ đợi.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, khi tôi nhìn vẻ hân hoan của những người nghèo vào buổi tối Thứ Sáu ở nhà thờ Mạc Ty Nho, tôi hiểu rằng bữa ăn miễn phí ấy không chỉ giúp họ no bụng mà còn giúp họ có đủ sức để tiếp tục hy vọng vào ngày mai.

Miễn là vẫn sống, thì con người vẫn có niềm hy vọng.

The post ‘Một miếng khi đói bằng một gói khi no’ appeared first on Saigon Nhỏ.

 

Show More
Back to top button