Đời SốngSức Khỏe

Để tránh ‘hội chứng cơm chiên’, ăn tới đâu, nấu tới đó!

HealthTok đang cảnh báo những người dùng TikTok một số thông tin đáng lo ngại nhưng quan trọng về việc nấu và bảo quản thực phẩm đúng cách.

Một loạt những video đang lan truyền trên nền tảng mạng xã hội đề cập đến báo cáo năm 2008 về vụ thanh niên 20 tuổi chết sau khi ăn mì spaghetti ở nhiệt độ trong phòng bị nhiễm trực khuẩn cereus. Báo cáo được ghi lại trong National Library of Medicine, giải thích rằng trong vòng 30 phút sau khi ăn, thanh niên này bị nhức đầu, đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy. Đêm đó, anh qua đời.

Một trường hợp tương tự xảy ra vào Tháng Ba năm 2021, khi một người đàn ông ở Anh ăn mì xào còn thừa, cũng bị các triệu chứng tương tự, anh này được đưa đi cấp cứu nên sống sót, nhưng phải cắt cụt nhiều chi.

advertisement

Người dùng TikTok đã đặt ra thuật ngữ “hội chứng cơm chiên” (fried rice syndrome) để chỉ tình trạng thức ăn có tinh bột để lâu bị nhiễm vi khuẩn.

Lawrence Goodridge, giáo sư về an toàn thực phẩm tại University of Guelph, nói với PEOPLE rằng trực khuẩn cereus thường được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm giàu tinh bột như mì ống, lúa mì nguyên hạt… Ông nói: “Gạo luôn là thứ có nhiều nguy cơ nhất. Vi khuẩn hình thành dưới dạng bào tử trong quá trình nấu nướng, nhưng chúng chỉ phát triển ở nhiệt độ trong phòng.”

Goodridge giải thích thêm, khi phát triển trong thực phẩm, những con trực khuẩn cereus tạo ra chất độc, những chất có khả năng khiến chúng ta nôn mửa hoặc tiêu chảy. Nếu bạn ăn vào loại thực phẩm đó, bạn sẽ bị bệnh ngay.”

Ông nói rằng mặc dù đây là điều cần phải cảnh giác, nhưng tình trạng cận tử và tử vong là khá hiếm, phần lớn chỉ bị đau đầu, đau bụng.

Mì xào nhìn rất ngon, ráng ăn hết, đừng để lâu, kẻo nhiễm vi khuẩn. (minh họa: Unsplash)

Người ăn trúng thực phẩm nhiễm khuẩn sẽ “biết nhau ngay” chỉ trong vòng nửa giờ, hoặc lâu nhất là năm, sáu tiếng đồng hồ. Các triệu chứng sẽ kéo dài trong khoảng 24 giờ. Trong khoảng thời gian này, ít người bị nghiêm trọng dẫn tới tử vong, nhưng có thể phải tháo khớp, như người đàn ông được mô tả trên TikTok.

Thực tế, những nguy hại do cereus còn khá hiếm, nhất là khi so sánh với các vi khuẩn truyền qua thực phẩm khác như salmonella. Mỗi năm ở Mỹ có khoảng 63,000 trường hợp nhiễm cereus, còn ở Canada có khoảng 36,000 trường hợp. Tuy nhiều, nhưng con số này không đáng kể so với các bệnh do vi khuẩn khác gây ra.

Tuy nhiên, vẫn có những biện pháp mà các bà nội trợ có thể thực hiện để chống lại vi khuẩn, như nấu đúng cách và tránh xa cái mà ông gọi là “vùng nguy hiểm.”

advertisement

Ông giải thích: “’Vùng nguy hiểm’ là khoảng nhiệt độ từ 40 độ đến 140 độ F, nhưng là nhiệt độ tuyệt vời nhất để vi khuẩn này và các vi sinh vật truyền sinh sôi nảy nở trong thực phẩm  nhanh nhất.”

Nhiều người hay nói: Hãy giữ nóng thức ăn nóng và giữ lạnh thức ăn lạnh. Nếu mì, cơm không ăn ngay, bạn phải giữ ở nhiệt độ cao hơn 140 độ F, còn muốn để lâu hơn thì tốt nhất cho vào tủ lạnh, ở nhiệt độ 40 độ F.

Goodridge cũng khuyên chỉ nên giữ thức ăn thừa trong vòng tối đa bốn ngày và khi đem ra dùng thì hâm nóng ở nhiệt độ ít nhất 165 độ F, để tiêu diệt mọi vi khuẩn có hại.

Nhưng tốt hơn hết, ăn tới đâu, nấu tới đó, còn kẹt lắm mà còn dư cơm, mì thừa, lúc đem ra cảm giác có gì nghi ngờ, thì vứt ngay đi. Đừng tiếc của mà hại vào thân.

The post Để tránh ‘hội chứng cơm chiên’, ăn tới đâu, nấu tới đó! appeared first on Saigon Nhỏ.

 

Show More
Back to top button